Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hà Lê – thực tập giảng dạy ở trường học tiểu học tại Phần Lan
Mấy cái tít trên vài mặt báo toàn mô tả thiên đường ở đâu, chớ ngay cả quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thì trẻ em vẫn phải cặm cụi hoàn thành bài tập về nhà gần như mỗi ngày, và thỉnh thoảng phụ huynh vẫn nhận email nhắc nhở từ GV về việc con không hoàn thành bài tập về nhà.
Tuy nhiên, có rất nhiều điểm tích cực từ câu chuyện bài tập về nhà để xây dựng nên những đứa trẻ tự chủ, tích cực và có trách nhiệm trong môi trường học tập chú trọng sự an lạc từ trải nghiệm cá nhân với ngôi trường PL mình thực tập.
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc làm bài tập về nhà không phải là yếu tố quyết định đến việc cải thiện điểm số, nhưng quan trọng hơn, nó giúp các em hiểu rằng việc học không chỉ diễn ra ở trường, mà còn ở nhà và ở bất cứ đâu. Làm bài tập về nhà giúp hình thành thói quen học tập tích cực, xây dựng tính tự giác, tự chủ, và các kĩ năng khác.
Xem thêm Đừng bắt trẻ học quá sớm!
Có phải Phần Lan không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học?
Vào đầu năm học, các bậc phụ huynh sẽ nhận được một văn bản về chính sách bài tập về nhà (homework policy) để đọc cùng con và ký tên. Văn bản nêu rõ vai trò, ý nghĩa của việc làm bài tập, trách nhiệm của bố mẹ và học sinh trong quá trình làm bài, và cách hỗ trợ con để xây dựng thói quen học tốt, các bộ câu hỏi hỗ trợ con hoàn thành bài, thay vì thay con hoàn thành bài tập. Số lượng và thời lượng bài tập tăng dần theo khối lớp nhưng không gây quá tải cho trẻ. Với những năm đầu tiểu học, thời lượng sẽ từ 15-20 phút, không quá 30 phút. Nếu trẻ dành quá nhiều thời gian mà vẫn không hoàn thành, bố mẹ có thể liên lạc với GV để nhận được sự hỗ trợ.
Bài tập về nhà thường gồm dạng ôn luyện và luyện tập bổ sung như luyện tập tính toán, ôn các từ vựng trong tiếng Anh; đến dạng làm quen và chuẩn bị những nội dung mới cho bài học tiếp theo (flipped learning – lớp học đảo ngược). Ví dụ như một tiết học lịch sử lớp 5 mình quan sát được, các bạn thường được cô gửi tài liệu đọc trước, xem video, và có thể tự tìm hiểu thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử các bạn hứng thú. Để đến khi lên lớp, các bạn chỉ thảo luận thêm, cùng nhau hệ thống hoá các sự kiện lịch sử theo dòng thời gian để nắm bắt dễ dàng hơn.
GV cũng không đòi hỏi trẻ phải hoàn thành tất cả các bài tập trong SGK, mà chỉ tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. GV nắm bắt các dạng và chỉ cho các bạn làm thêm 2-3 bài tiêu biểu. GV giao bài tập về nhà cũng rất khác nhau ở mỗi khối lớp (dựa trên self-efficacy và self-esteem của trẻ). Với các bạn lớp 1, lớp 2 thì trong SGK đã có sẵn phần bài tập về nhà gồm 1-2 bài ôn tập, các bạn có thể hoàn thành trong vòng 15 – 20 phút. Với các bạn HS lớp 3, GV cá nhân hoá theo từng học sinh để phát triển theo năng lực bằng cách khoanh vòng 2-3 bài tập về nhà khác nhau cho từng bạn. Và đến lớp 5, các bạn được trao quyền tự chọn 2 bài tập cho riêng mình, một bài dễ và một bài thử thách bản thân. Việc này giúp các bạn tự chủ và có trách nhiệm hơn trong quá trình học.
Cuối cùng, tất cả các bài tập của các bạn đều được kiểm tra và phản hồi bởi GV, để thấy được tầm quan trọng, sự nghiêm túc và chỉn chu trong quá trình học tập. Một vài hoạt động bài tập về nhà mình thấy rất dễ thương như phỏng vấn bố mẹ về quan niệm hạnh phúc khi các bạn học đến chủ đề hạnh phúc trong môn Đạo Đức, chụp ảnh những khu vui chơi quanh khu mình ở để cùng phân tích và thiết kế khu vui chơi lý tưởng cho trẻ em trong tuần học liên môn, hay vẽ sơ đồ một căn phòng trong ngôi nhà của em dành cho các bạn lớp 1 trong bài học về chủ đề bản đồ. Hình vẽ dưới đây có ai đoán được là căn phòng chức năng nào trong nhà không ạ? Trẻ sẽ trình bày những đồ vật được vẽ trong bản đồ trước lớp và các bạn sẽ đoán đây là phòng gì.
Vào các dịp nghỉ lễ, GV sẽ không giao bài tập về nhà cho trẻ vì đó là khoảng thời gian chất lượng để xum vầy, quây quần, gắn kết tình yêu thương trong gia đình. Xuân, hạ, thu, đông đủ các hoạt động, từ đạp xe, hái nấm trong rừng, đi bơi giữa hồ, xây người tuyết, đến văn hoá xông hơi hưởng thụ.