I. Đọc hiểu (8,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
[ ] Lê-Nin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức”. Triết gia Thomas Carlyle cho rằng: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Chúng ta đều biết, từ cổ chí kim, các danh nhân thế giới hay những người thành đạt, dù hoàn cảnh xuất thân, địa vị xã hội hay tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là say mê đọc sách. Sách như những người bạn, người thầy, đọc sách giúp làm giàu tri thức, nuôi dưỡng hoài bão và có thêm nghị lực để vượt qua thử thách trong cuộc sống. Đọc sách làm phong phú thêm tâm hồn, chỉ cho chúng ta biết điều hay, lẽ phải, điều gì nên làm, điều gì cần tránh…
(Theo Đức Trí, Ngày sách Việt Nam nghĩ về văn hóa đọc, https://baoquocte.vn)
Câu 1 (1,0 điểm). Văn bản trên nghị luận về vấn đề gì? Chỉ ra câu văn thể hiện ý kiến của tác giả về vấn đề đó.
Câu 2 (1,5 điểm). Tác giả đã sử dụng dẫn chứng nào để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận? Nhận xét cách sử dụng dẫn chứng của tác giả trong văn bản.
Câu 3 (1,25 điểm). Qua câu văn “Đọc sách làm phong phú thêm tâm hồn, chỉ cho chúng ta biết điều hay, lẽ phải, điều gì nên làm, điều gì cần tránh…” tác giả muốn nói với bạn đọc điều gì?
Câu 4 (1,25 điểm). Em hiểu câu nói của Thomas Carlyle “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành đều được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách” như thế nào?
Câu 5 (1,5 điểm). Em có đồng tình với quan điểm“đọc sách giúp làm giàu tri thức, nuôi dưỡng hoài bão và có thêm nghị lực để vượt qua thử thách trong cuộc sống” không? Vì sao? Hãy chia sẻ cách đọc sách hiệu quả để sách thực sự trở thành người bạn, người thầy của mỗi người.
Câu 6 (1,5 điểm). Thực tế hiện nay văn hóa đọc đang bị lấn át, nhiều bạn trẻ cho rằng lướt facecook, truy cập Internet hấp dẫn hơn nhiều so với đọc sách. Lý giải nguyên nhân của hiện tượng đó và đề xuất giải pháp xây dựng văn hóa đọc ở cộng đồng nơi em sinh sống, học tập.
II. Viết (12,0 điểm)
Phân tích bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan; từ đó chỉ ra nét độc đáo trong việc thể hiện đề tài thiên nhiên của nhà thơ.
CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
(Bà Huyện Thanh Quan(*))
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.
Gác mái, ngư ông(1) về viễn phố(2),
Gõ sừng, mục tử(3) lại cô thôn(4).
Ngàn mai(5) gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu(6) sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài(7) người lữ thứ(8),
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn(9)?
(Nguồn: Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004)
Chú thích:
(*) Bà Huyện Thanh Quan (không rõ năm sinh, năm mất) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XIX; quê làng Nghi Tàm, nay thuộc Hà Nội. Chồng bà từng làm tri huyện Thanh Quan. Bà là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng nhất thời trung đại. Thơ Bà Huyện Thanh Quan hầu hết được viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật với niêm, luật chặt chẽ, bút pháp điêu luyện, ngôn từ trau chuốt. Các tác phẩm tiêu biểu của bà như: Qua Đèo Ngang, Thăng Long thành hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà…đều ẩn chứa niềm nhớ tiếc quá khứ và nỗi buồn man mác trước hiện tại.
- Ngư ông: ông già câu cá/đánh cá.
- Viễn phố: nơi bến xa.
- Mục tử: đứa trẻ chăn trâu.
- Cô thôn: xóm lẻ trơ trọi.
- Ngàn mai: rừng mai.
- Dặm liễu: đường đi có trồng liễu ở hai bên.
- Trang đài: chốn trang điểm của người phụ nữ; ở đây dùng để chỉ người ở nhà chờ đợi.
- Người lữ thứ: người ở quán trọ, dùng để chỉ người đi xa, không ở nhà.
- Hàn ôn: lạnh và ấm, chỉ việc hai người gặp nhau hỏi trời lạnh và ấm thế nào, thường dùng với nghĩa tâm sự, kể lể, hỏi han.