Cù Tuấn dịch từ tạp chí Time, bài gốc tại đây.
Có bao nhiêu con số đã chui vào não của bạn ngày hôm nay? 10? 100? 1.000?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tính cả số bước và nhịp tim từ đồng hồ thông minh của mình? Số lượng thích và theo dõi trên phương tiện truyền thông xã hội? Các con số tại nơi làm việc, từ ngân hàng của bạn, trong trò chơi, ứng dụng và trong hộp thư đến của bạn? Theo ước tính, hiện nay chúng ta cùng nhau tạo ra nhiều con số hơn mỗi ngày so với toàn bộ nhân loại gộp lại từ lúc có loài người đến năm 2010.
Bây giờ, hãy thử dừng lại và suy nghĩ một chút về cách những con số này, một cách có ý thức và vô thức, xâm nhập vào não bạn và ảnh hưởng đến những quyết định bạn đưa ra mỗi ngày. Bởi vì những con số khốn kiếp này đang đánh lừa bạn. Những con số trong công việc sẽ điều chỉnh động lực và nỗ lực của bạn. Những con số trên mạng xã hội khiến bối cảnh xã hội trở thành cơn ác mộng cạnh tranh và tạo ra kẻ thắng người thua. Số Fitbit của bạn giúp bạn chạy nhanh hơn trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng biến việc chạy thể dục thành một công việc thực sự. Và mỗi con số bạn đưa vào bộ não của mình đóng vai trò như một hệ quy chiếu để bạn so sánh và đánh giá thế giới.
Bạn có bao nhiêu bạn bè so với người khác? Kiểm tra Facebook hoặc Instagram. Nhà hàng đó ngon như thế nào? Kiểm tra Tripadvisor. Chúng ta nên xem bộ phim nào tối nay? Kiểm tra xếp hạng trên Imdb. Cho dù trên điện thoại thông minh, máy tính để bàn hay trong đầu bạn, những con số này khiến bạn đưa ra các quyết định và nhận thức về giá trị. Giá hợp lý của một cốc bia hay một căn hộ hai phòng ngủ phụ thuộc vào những con số đã ghi nhớ trong đầu bạn. Các nhà tâm lý học thường gọi đây là quá trình “thả neo”; khi hình thành sự hiểu biết của riêng mình về một điều gì đó, chúng ta cần một hướng dẫn để tiếp tục củng cố sự hiểu biết của mình. Và việc đưa những điểm neo thấp và cao này vào tâm trí mọi người là một nghệ thuật riêng biệt, thường được các đại lý bất động sản, chính trị gia hoặc những người chuyên đàm phán thực hiện. Việc trả giá 1,1 triệu đô la cho một căn hộ có vẻ như là một món hời, nếu đại lý nói rằng căn hộ bên cạnh đã được bán với giá 1,5 triệu đô la, phải không? Hiệu ứng thả neo được ghi lại rõ ràng trong các ngữ cảnh khác nhau, từ thời gian giao hợp trung bình (một phút hay 15 phút?), cho đến việc kết án tại tòa án. Vâng, ngay cả các thẩm phán cũng thay đổi phán quyết của họ một cách đáng kể sau khi tiếp xúc với một neo giá cao, so với một neo giá thấp.
Giờ thì đến lúc nó trở nên đáng sợ. Điều gì sẽ xảy ra nếu những con số luôn xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta được neo giữ trong não của chúng ta và ảnh hưởng đến sự hiểu biết và quyết định của chúng ta về những điều khác đang xảy ra cùng một lúc? Những thứ thậm chí không hề liên quan.
Điều gì sẽ xảy ra nếu số lượt thích/like cao hơn đối với bức ảnh mới nhất của bạn trên Facebook/Instagram đã thúc đẩy bạn đưa ra đề nghị cao hơn mức bạn cho là hợp lý trên eBay hoặc Redfin?
Chúng tôi tò mò về chuyện này, vì vậy chúng tôi đã trắc nghiệm nó. Chúng tôi đã yêu cầu khoảng 1.500 người viết ra số bước chân họ đã đi được trong ngày (phần lớn có ứng dụng sức khỏe trên điện thoại tự động đếm số bước; mọi người không cần phải đoán hết khả năng của mình). Sau đó, chúng tôi yêu cầu họ đưa ra một con số về số tiền họ sẵn sàng trả cho một căn hộ chung cư một phòng ngủ trong thành phố của họ. Và đoán xem? Số bước chân họ đi được báo cáo càng cao, thì giá họ sẵn sàng trả cho căn hộ càng cao. Bây giờ có lẽ bạn đang nghĩ điều này là do những người sống ở các thành phố lớn đi bộ nhiều hơn (vì khoảng cách xa hơn) và nhà ở ở các thành phố lớn đắt hơn. Nhưng chúng tôi đã kiểm soát được điều đó. Số bước cao hơn mang lại sự sẵn sàng trả giá cao hơn, bất kể bạn sống ở thành phố nào. Cũng có thể những người đi nhiều bước hơn cảm thấy có khả năng hơn và “tự thưởng” cho mình bằng cách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho căn hộ. Nhưng hiệu quả vẫn như vậy khi chúng tôi yêu cầu những người tham gia đoán giá trung bình của một căn hộ một phòng ngủ trong thành phố của họ. Thật đáng sợ, nhưng chuyện này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nghĩ xa hơn, điều gì sẽ xảy ra nếu các thuật toán có thể cảm nhận được kích thước của những con số xung quanh bạn tại bất kỳ thời điểm nào và điều chỉnh chúng trong các tin tức giả mạo hoặc trong quảng cáo? Có lẽ là chuyện này đã bị George Orwell hóa quá mức, nhưng theo một cách nào đó, điều này đã xảy ra rồi. Các thuật toán truyền thông xã hội phản ứng với các con số dưới dạng lượt xem, nhận xét và chia sẻ, đồng thời mạng xã hội đã dành nhiều không gian hơn cho các bài đăng nhận được nhiều lượt xem/like đó. Và mọi người là những người say mê những con số. Mọi người không chỉ nhấp nhiều hơn vào thông tin và các mục tin tức có số trong đó (từ đó khiến các thuật toán lan truyền các bài đăng nhiều hơn), mà họ còn tin rằng thông tin đó là đúng đắn hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng mọi người cho rằng các mục tin tức thu hút nhiều lượt thích/like là đáng tin cậy hơn các mục tin tức có ít lượt thích. Ngoài ra, mọi người gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt mục tin tức nào là thật hay giả khi chúng có nhiều lượt thích—như thể là số lượt thích cao đã cản trở tư duy phản biện.
Vì vậy, hãy lưu ý: Các con số ở khắp mọi nơi, bạn tin chúng là đúng (ngay cả khi không phải vậy) và chúng có làm sai lệch quyết định của bạn theo nhiều cách hơn bạn có thể tưởng tượng. Có lẽ bạn cần một khóa cai nghiện các con số.