ANH, MỸ TRÁCH PHẠT HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO?

ANH, MỸ TRÁCH PHẠT HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO

Nếu giáo viên ở Việt Nam than thở với nhau rằng: Dạy kiến thức, kỹ năng cho hoc sinh khó một thì hình thành thái độ, hành vi đúng đắn, uốn nắn thói hư, tật xấu cho các em ấy sẽ khó mười, thì điều tương tự cũng diễn ra với giáo viên ở Anh và Mỹ. Việc kiểm soát hành vi của học sinh, đặc biệt là những hành vi xấu (bad behaviours/ disruptive behaviours) trong giờ học cũng là nỗi ám ảnh, căng thẳng cho giáo viên các nước này và là 1 trong những nguyên nhân lớn nhất khiến GV ở đây bỏ nghề đi dạy. Thống kê gần nhất cho thấy 1/3 giáo viên trung học ở Anh không tự tin trong việc dùng quyền của mình để kỷ luật học sinh. Tuy nhiên, nếu quyết định theo nghề giáo, tất cả đề phải tôn trọng tuyệt đối các quy định pháp luật lẫn các nguyên tắc giáo dục.

ANH, MỸ TRÁCH PHẠT HỌC SINH NHƯ THẾ NÀO?

Tinh thần chung của các giáo viên Anh, Mỹ là trước hành vi chưa chuẩn của học sinh, tất cả giáo viên phải sử dụng các biện pháp khuyên răn, động viên, khuyến khích, hỗ trợ và nhìn nhận những tiến bộ dù rất nhỏ của học sinh chứ không phải nghĩ đến trách phạt ngay từ đầu.

Chẳng hạn, học sinh nói năng thiếu lịch sự với giáo viên, giáo viên nói: ‘Sorry, what are you saying? Can you please say it again?’. Học sinh lặp lại nếu sửa rồi thì thôi, không thì họ lại tiếp tục ‘Can you please say it again?, tới lần thứ 3 mà không sửa thì họ chỉ ‘ You should say…’ rồi thôi chứ không mắng xối xả là học sinh vô lễ.

Một trường hợp khác (theo chia sẻ của bé Mary, là 1 cô bé người Anh, con gái của chủ nhà nơi tác giả bài viết thuê trọ khi viết bài này trong thời gian đi học Tiến sĩ tại Anh) 2 học sinh tiểu học đang giận dữ cãi vã nhau rất to trong giờ học thì giáo viên nhanh chóng yêu cầu ngưng hành vi đó, tách hai e ngồi xa nhau ra. Cuối giờ, họ mới trò chuyện để hai em hiểu hành vi đó là không được chấp nhận. Tình huống này nếu xảy ra trong lớp học Việt Nam thì một số giáo viên sẽ la mắng, bắt cả hai đứng ở góc lớp hoặc đuổi ra ngoài lớp. Hình phạt đứng góc lớp với giáo viên Anh là sỉ nhục học sinh nên không ai còn dùng. Nếu hành vi gây rối của học sinh quá nghiêm trọng thì các em có thể được mời lên phòng quản lý ngồi, sẽ có giáo viên giao việc trong thời gian đó như chép bài, làm bài, và giám sát chứ không để học sinh một mình.

Biện pháp phạt phổ biến dành cho học sinh Anh, Mỹ là ‘lao động công ích’ như lau chùi lớp, dọn thùng rác, cạo các vết kẹo cao su dưới sàn, trồng cỏ trong sân trường, dọn bàn ăn cho lớp trong bữa trưa… Việc cấm túc tức phạt ở lại trường sau giờ học hoặc vào ngày cuối tuần để hoàn thành bài tập thêm cũng được áp dụng.

Việc phạt bằng cách gửi thư thông báo cho phụ huynh hoặc mời phụ huynh lên trường cũng có và được xem là rất hiệu quả để chấm dứt hành vi gây rối của HS (theo nghiên cứu Gíao dục ở Anh). Có lần, chị Elizabeth, mẹ của Mary, cũng bị mời lên vì Mary- con gái chị đang học lớp 7 bị bạn cùng lớp tố cáo là em ấy phân biệt chủng tộc. Chuyện là trong giờ học môn Thiết kế, em nặn 1 hình chú bé nhưng dùng đất sét màu nâu nặn người, nặn tóc tai, mắt mũi kiểu gì mà 1 nhóc trong lớp là người da màu vừa nhìn thấy đã khóc ré lên bảo Mary đang nặn cậu ta và muốn chế giễu màu da của cậu. Theo đúng luật, nếu lỗi phân biệt chủng tộc thì phải mời phụ huynh lên. Cô giáo gặp chị Elizabeth thì bảo: cô mời theo quy định thôi, nhưng cô tin Mary không có ý đó. Dù vậy, chuyện lần đó cũng khiến Mary ý thức rất rõ về việc không được dùng bất cứ đặc điểm nào của người khác để chế giễu vì chỉ vô tình thôi mà cậu bạn kia đã tổn thương đến thế.

Việc đuổi học có thời hạn từ 5 ngày đến 1 năm cũng nằm trong hệ thống biện pháp trách phạt của nhà trường Anh, Mỹ. Ở Anh, đuổi học có thời hạn trên 6 ngày thì nhà trường phải có trách nhiệm tư vấn, cung cấp cho phụ huynh, học sinh các hình thức giáo dục thay thế để học sinh vẫn tiếp tục được duy trì việc học, chỉ có điều là không ở trong lớp học thông thường. Nhiệm vụ này có thể do chính trường đó hoặc hội đồng giáo dục ở địa phương cung cấp. Thực chất, giải pháp đuổi học là hình thức kỷ luật ‘chẳng đặng đừng’ vì ‘loại bỏ’ học sinh đó ra khỏi môi trường học đường (được xem là lành mạnh nhất) thì học sinh đó sẽ có nguy cơ cao phát triển nhân cách theo chiều hướng tệ hơn.

Mỹ từng áp dụng chính sách “Không khoan dung” (Zero Tolerance) khi bạo lực học đường dâng cao cuối những năm 1990 bằng cách cương quyết đuổi học tất cả học sinh có mang các loại thuốc, ma túy, thuốc lá, đặc biệt là vũ khí nguy hiểm vào trường học như dao, súng… Rất nhiều quyết định đuổi học cứng nhắc và oan ức cho học sinh đã được đưa ra, chẳng hạn học sinh vô tình mang con dao dành cho hướng đạo sinh, dao cắt bánh sinh nhật vào lớp. Dù học sinh chưa sử dụng, giáo viên khi biết được và báo cáo lên, là học sinh đó có thể bị đuổi học ngay (thời gian bị đuổi tùy mức độ nghiêm trọng của vũ khí, có thể lên tới 1 năm). Chính sách này đã bị chỉ trích rất gắt gao. 15 năm qua, dù tỷ lệ bạo lực của Mỹ giảm nhưng không có bằng chứng nào cho thấy luật “Không khoan dung” đã đóng góp vào thành tựu đó, và luật này đã được xem xét lại để được sử dụng linh hoạt hơn.

Ngược lại, chính sách “đánh giá mối đe dọa” (threat assessment) dành cho các học sinh có nguy cơ gây ra bạo lực mới được xem là “công thần” trong việc ngăn chặn bạo lực học đường tại Mỹ. Các chính sách đánh giá mối đe dọa ở các trường học ở Mỹ thường được thiết kế để xác định và giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự an toàn và phúc lợi của học sinh và nhân viên.

Các chính sách đánh giá mối đe dọa trong các trường học ở Mỹ

Dưới đây là tổng quan chung về cách thức hoạt động của các chính sách đánh giá mối đe dọa trong các trường học ở Mỹ:

  1. Xây dựng một nhóm đánh giá đa lĩnh vực (multidisciplinary teams): Đánh giá mối đe dọa thường liên quan đến việc thành lập các nhóm đa lĩnh vực bao gồm quản lý trường học, cố vấn tâm lý, giáo viên và đôi khi là các chuyên gia thực thi pháp luật. Các nhóm này hợp tác để đánh giá và quản lý các mối đe dọa tiềm ẩn.
  2. Can thiệp sớm: Mục tiêu chính của đánh giá mối đe dọa là can thiệp sớm. Trọng tâm là xác định những cá nhân có thể gây nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác trước khi tình huống leo thang. Điều này có thể bao gồm các mối đe dọa bạo lực, tự làm hại bản thân hoặc các hành vi liên quan khác.
  3. Xây dựng các phương thức báo cáo: Các trường học thường thiết lập phương thức báo cáo rõ ràng để học sinh, nhân viên và cả người ngoài báo cáo bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn hoặc hành vi đáng lo ngại nào. Các tùy chọn báo cáo ẩn danh cũng có thể được cung cấp để khuyến khích các cá nhân trình báo mà không sợ bị trả thù.
  4. Đánh giá các mối đe dọa: Khi một mối đe dọa tiềm ẩn được báo cáo, nhóm đánh giá mối đe dọa sẽ đánh giá tình hình. Đánh giá này có thể bao gồm đánh giá về hành vi, tương tác xã hội, kết quả học tập và bất kỳ thông tin liên quan nào khác của cá nhân.
  5. Chiến lược can thiệp: Dựa trên đánh giá, nhóm phát triển các chiến lược can thiệp. Những chiến lược này có thể bao gồm tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, nguồn lực về sức khỏe tâm thần và trong một số trường hợp có sự tham gia của cơ quan thực thi pháp luật nếu có mối đe dọa đáng cân nhắc.
  6. Theo dõi và giám sát: Việc theo dõi và đánh giá theo sau là những thành phần quan trọng trong đánh giá mối đe dọa. Nhóm có thể tiếp tục đánh giá sự tiến bộ của cá nhân, cung cấp hỗ trợ và điều chỉnh các chiến lược can thiệp nếu cần.
  7. Cân nhắc về quyền riêng tư: Điều quan trọng là phải cân bằng giữa nhu cầu đánh giá mối đe dọa với quyền riêng tư của cá nhân. Các trường học phải tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành liên quan đến việc xử lý thông tin nhạy cảm và đảm bảo rằng quy trình này diễn ra công bằng và minh bạch.

Bài viết của Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền viết vào năm 2015, nay được bổ sung thêm các thông tin về chính sách đánh giá mối đe dọa của các trường học tại Mỹ.

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Hướng dẫn sử dụng Canva

60 phút học Canva miễn phí!

Next Article

Câu hỏi thực tế Toán 10 Cánh Diều HK1

Related Posts