Nuôi dưỡng tình yêu Toán học

Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết của thầy Trần Nam Dũng, ĐHQG TPHCM. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác của thầy Dũng: Làm thế nào để học tốt môn Toán?

Vai trò của môn toán trong việc phát triển các năng lực cốt lõi của trẻ có lẽ không cần phải bàn cãi: năng lực tư duy và lập luận, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực chia sẻ và hợp tác là những năng lực được hình thành và phát triển trong quá trình học tập nói chung và đặc biệt là học toán nói riêng.

Vấn đề nằm ở chỗ: làm thế nào để trẻ yêu thích môn toán? Làm thế nào để kích thích sự đam mê, nuôi dưỡng tình yêu của trẻ với toán học? Bởi lẽ, cũng như các môn học khác, trẻ sẽ học và lĩnh hội tốt nhất khi trẻ thích, trẻ mê và trẻ yêu.

Câu chuyện ngày hôm nay sẽ xoay quanh chủ đề này, và tôi, với những trải nghiệm và nghiên cứu của mình, xin đưa ra một số ý kiến. Về cơ bản đây là những gợi ý cho phụ huynh, nhưng các thầy cô giáo cũng có thể tham khảo.

#1 Dẫn dắt tự nhiên, đừng áp đặt

Không phải đứa trẻ nào cũng thích toán. Có bé còn sợ toán, ghét toán. Thống kê cho thấy càng lên các lớp trên, số trẻ sợ toán, ghét toán càng tăng lên. Sở dĩ như vậy là do cách dạy truyền thống, cách dạy áp đặt. Khi trẻ cứ phải chạy theo để nhớ, để lặp lại những điều mà chúng chưa hiểu (cả về ý nghĩa lẫn cách làm). Hãy sử dụng các tình huống thực tiễn và hãy sử dụng chính những kinh nghiệm của trẻ để dẫn dắt vào một vấn đề mới. Đừng dạy cho trẻ các công thức vô hồn mà hãy dẫn dắt cho trẻ khám phá ra những công thức đó. Dùng các ví dụ thực tiễn cũng là cách rất tốt để giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc học toán. Hơn nữa kinh nghiệp thực tiễn cũng giúp dạy toán tốt hơn, tự nhiên hơn. Tôi còn nhớ một tình huống trong phim “Nhà có 5 nàng tiên”. Cô con gái hỏi mẹ 24 + 18 = ?. Bà mẹ bối rối, nói “Con vào hỏi ba đó”. Người cha (do Hoài Linh thủ vai) nói “Bây giờ con tưởng tượng con có 24 nghìn, ba cho con thêm 18 nghìn, vậy là con có bao nhiêu nghìn?”. Cô con gái không cần nhẩm, nói liền: dạ, 42 nghìn. Ông bố nói “Vậy thì 24 + 18 = 42, con chỉ bỏ chữ nghìn đi là xong :)”.

#2 Học toán mọi lúc, mọi nơi, từ các tình huống cuộc sống

Toán có mặt khắp mọi nơi, xuất hiện trong đời sống thường nhất của chúng ta. Hàng ngày mẹ đi chợ, hay thỉnh thoảng cả nhà đi cửa hàng. Hãy giao cho trẻ tập tính toán xem mua như vậy hết bao nhiêu tiền, ăn tối như vậy hết bao nhiêu tiền. Toán có thể xuất hiện trên tờ lịch (bạn có thể nhờ con tính xem ngày sinh nhật của mẹ sắp tới là ngày thứ mấy), trên đồng hồ, trên các biển số xe đi trên đường … Toán có thể xuất hiện khi bạn đi taxi, toán xuất hiện khi bạn theo dõi một giải bóng đá (bài toán về giải đấu là một bài toán hấp dẫn, thú vị và rất thực tế). Bài toán về tuổi cũng là một bài toán thú vị để trẻ học toán. Ví dụ ta có thể hỏi bao giờ thì tuổi ba sẽ gấp đôi tuổi con, bao giờ tuổi hai con cộng lại sẽ bằng tuổi ba …

Hãy tận dụng mọi tình huống để đưa ra các câu đố cho trẻ. Khuyến khích trẻ đố lại ba mẹ, anh chị. Những bối cảnh tốt để ba mẹ đố toán là khi trên xe và đặc biệt là trong bữa ăn gia đình.

#3 Mở rộng ranh giới của toán học

Toán học không chỉ là các con số và các phép tính. Toán học còn là các hình, các khối: hình vuông, hình tam giác, hình tròn, khối lập phương, khối cầu …. Toán học còn là sự so sánh: cao-thấp, lớn-nhỏ, dài-ngắn, nhanh-chậm, trước-sau, trên-dưới … Toán học là những quy luật (ví dụ quy luật ở trong cuốn lịch, ở trong một dãy số …) Toán học là những mối quan hệ (quan hệ bạn bè, quan hệ gia đình, các cặp thành phố có đường bay …) Toán học là tư duy logic và lập luận (những bài toán về nói thật, nói dối, về tiền giả tiền thật, về màu của nón … rất hấp dẫn và rất phù hợp để phát triển tư duy lập luận cho trẻ). Ví dụ có 8 đồng tiền trong đó có 1 đồng tiền giả nặng hơn tiền thật, làm thế nào để với 2 lần cân đĩa (cần giải thích cho trẻ về cân đĩa, hay còn gọi là cân Roberval) tìm ra đồng tiền giả. Toán học còn là những phép biến đổi, là những cái gì thay đổi và không thay đổi, toán học nghiên cứu sự giống nhau, sự khác nhau … Chúng ta hãy cho trẻ làm quen với những “nghiên cứu” như vậy. Ví dụ hãy nói xem hình thoi với hình chữ nhật giống nhau và khác nhau thế nào? Có khi nào một hình thoi cũng là hình chữ nhật không?

#4 Sử dụng máy tính, internet

Đừng ngại cho trẻ sử dụng máy tính, internet. Cha mẹ thường lo lắng rằng con dùng máy tính và internet sẽ mê games, nghiện games. Lo lắng này không phải là không có lý do vì quả là có nhiều trường hợp như vậy (nhất là trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua). Tuy nhiên, thay vì cấm đoán, chúng ta nên cho các con sử dụng có kiểm soát. Bởi vì lợi ích của máy tính, của Internet cho việc học tập và kích thích đam mê là rất lớn. Ở đây các bé có thể tìm kiếm thông tin, có thể hỏi (Quora.com, ChatGPT …), có thể xem các bài giảng online (có rất rất nhiều những bài giảng hay), có thể học online. Trẻ em thích tương tác, thích được chấm điểm ngay lập tức, vì thế thì những trang dạy online, kiểm tra online với sự tích hợp của AI sẽ rất phù hợp cho các bé. Nắm được tâm lý thích games của trẻ em, nhiều là phát triển công nghệ giáo dục đã ra những sản phẩm Edutaiment (Education + Entertainment), kết hợp giữa trò chơi và học tập rất hấp dẫn. Tôi sẽ có một bài review về các sản phẩm này trong một bài riêng.

#5 Sử dụng các phần mềm toán học

Các phần mềm toán học đơn giản như Excel, Geogebra, … hay cao cấp hơn như Maple, Mathematica … sẽ rất kích thích cho các nghiên cứu của trẻ. Những nghiên cứu tính toán mà ngày xưa Napier, Fermat, Euler … phải mất cả ngày trời để thực hiện nay có thể được thực hiện trong nháy mắt. Phần mềm toán học giải quyết được phần nặng nề và nhàm chán nhất trong nghiên cứu là tính toán. Nhiệm vụ của trẻ bây giờ chỉ là quan sát, nhận xét, phát hiện và phát biểu ra các quy luật, quy tắc, định lý và tìm cách lý giải chúng. Cũng nên cho trẻ học lập trình và tư duy thuật toán, trẻ sẽ biết cách để lập trình tính tổng các số từ 1 đến 100, biết kiểm tra một số có phải là số nguyên tố hay không, biết tìm được tất cả các số có 3 chữ số có tổng các chữ số bằng 7 …

#6 Chơi các trò chơi toán học

Các trò chơi toán học vừa hấp dẫn như trò chơi, vừa có tác dụng phát triển tư duy rất tốt. Các trò chơi như cờ vua, cờ ca-rô, Sodoku, Minesweeper (dò mìn), hay quay khối Rubik, trò chơi 15, trò chơi xếp hình Trí uẩn, Tangram, trò chơi Tháp Hà nội, trò chơi đong sữa, trò chơi chở người và thú qua sông … đều là các trò chơi rất tốt cho trẻ. Đặc biệt hiện nay sẽ có cả phiên bản online và phiên bản offline rất tiện lợi để phụ huynh cho con chơi. Và có những trò chơi có thể được tự tổ chức bất cứ lúc nào giữa phụ huynh và học sinh. Năm 1983, khi có cơ hội được sang Pháp, tôi và các bạn trong đội tuyển IMO Việt Nam năm đó đã rất thích thú theo dõi chương trình Gameshow Des chiffres et des lettres. Tôi xin giải thích luật chơi của phần Chiffres. Người ta cho bạn một số số (ví dụ 3, 100, 8, 8, 10, 6) và một số kết quả (ví dụ 683). Bạn phải đưa ra một phép tính sử dụng các số được cho có kết quả như yêu cầu: Ví dụ 6 x 100 + 8 x 10 + 3 = 683. Trò chơi này tôi đã dùng rất thành công ở Titan Education. Điều thú vị là, trò chơi truyền hình này, xuất hiện lần đầu với cái tên Le Mot le plus long vào năm 1965 cho đến nay vẫn là một trong các chương trình Gameshow được yêu thích nhất ở Pháp. Các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về chương trình trên wikipedia.

nuôi dưỡng tình yêu Toán học

#7 Động viên sự tiến bộ, tạo ra các thách thức

Trẻ em thích và cần sự động viên. Hãy tạo cho trẻ niềm tin rằng bé có thể học và học tốt môn toán. Đừng tiết kiệm lời khen và phải rất rất hạn chế chê, đặc biệt là không được chê về sự không thể. Bằng sự động viên, bạn có thể khiến một học sinh ghét toán, sợ toán trở nên tự tin hơn, không ghét và không sợ toán nữa. Tôi đã từng có một vài học sinh như vậy, và khi các bạn tiến bộ, tôi tự hào ngang với việc tôi có những học trò được huy chương toán quốc tế. Ai cũng có thể học toán và học tốt môn toán. Không phải chỉ những người thông minh mới học được môn toán. Trái lại, chúng ta học toán để thông minh hơn.

Ở chiều ngược lại, với các bạn hiểu nhanh, lĩnh hội nhanh, chúng ta cần tạo ra những thách thức, đặt ra những yêu cầu cao hơn để tránh sự nhàm chán. Luôn tạo ra sự tò mò cho trẻ, luôn đặt ra những vấn đề hack não (nhưng không quá sức) để thách thức trẻ. Với trẻ, cần sự thành công nhưng cũng cần cả sự thất bại. Một bài toán khó nhằn, một vấn đề hóc búa sẽ kích thích trẻ tìm hiểu, thảo luận, đào bới, công phá. Và sẽ thêm phần gia vị nếu chúng ta đưa ra các phần thưởng nho nhỏ (một cuốn sách, một chầu kem :)).

#8 Đọc sách, đọc sách và đọc sách

Phần này xin được để một bài riêng, vì nó sẽ hơi dài một chút so với 7 phần ở trên. Mà giờ thì đã đến giờ lên tập thể dục rồi 🙂

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article

HỎI NHƯ THẾ NÀO?

Next Article
Làm thế nào để học tốt môn Toán?

Làm thế nào để học tốt môn Toán?

Related Posts