TRÁI CÂY BAO BÁP

Chúng tôi xin được giới thiệu truyện ngắn TRÁI CÂY BAO BÁP của thầy Lê Hoành Phò, giáo viên Toán ở Đà Nẵng.

Năm xưa đó. Gia đình tôi phải rời làng quê yêu dấu.

Chiến sự vùng Mỹ Chánh, sông Ô Lâu giáp ranh giữa Thừa Thiên và Quảng Trị bùng phát mạnh. Ngày đêm cà-nông trên huyện Phong Điền rót mãi về ghê rợn. Tiếng đạn bay rin rít, tiếng nổ vang, nhà cháy và tiếng kêu khóc than… Trận Hà Lộc máy bay bắn phá, dội bom na-pan phía Hải Lăng là đỉnh điểm.

Gia đình tôi vào ở tạm nhà người bác họ tốt bụng. Một chuyến xe cam-nhông, chỉ chở tất cả đồ đạc cần thiết, cha mẹ gạt nước mắt chua xót ruộng vườn nhà xây mới gầy dựng lại. Chắc chắn lần ra đi này không còn có thể trở lại được nữa.

Nhà bác có khuôn viên rộng, cây lá hoa cảnh rất nhiều, làm hai anh em tôi cảm thấy bớt đi nỗi buồn. Nhỏ Minh kém tôi hai tuổi ham chạy nhảy, vô tư hơn, siêng chăm hoa và tìm bắt sâu. Bác gái trẻ thích nó lắm, vợ chồng bác chưa có con cái.

*

Tôi đã mười tuổi, một vị giáo sư lớn tuổi, bà con bên mẹ đã xin cho tôi vào học tiếp lớp Ba trường tiểu học Trần Quốc Toản, sát cửa Thượng Tứ.

Chỉ một lần, bác trai lái xe Vespa chở tôi đi mua bánh mỳ buổi sớm, thế là về sau hễ có dịp, tôi xung phong đi bộ một mình mua bánh liền. Bác gái hiền hậu, hay nhờ tôi mua hộ mỗi khi bác trai đi công tác vài hôm. Bao giờ, bác cũng bảo tôi mua dư ra số lượng cần thiết để cho thằng tôi một hai ổ. Được bác nhờ vả lại được quà ngon thì còn gì sung sướng bằng.

Tiệm bánh mang tên con gái, Xuân Phượng, luôn đông khách đầu giờ sáng. Những ổ mỳ nóng dòn thơm mới ra lò, làm tụi trẻ con đi ngang nhìn thèm chảy nước miếng.

Xin phép mẹ xong, tôi đeo chéo cái túi xách nhỏ bác gái cho, hiên ngang ra cổng, đi nép một bên. Độ mươi phút là đến tiệm, tôi bước qua đường Đinh Bộ Lĩnh là tường rào góc hồ Tịnh Tâm, qua ngã tư nhà bác sĩ Tự, trường Nữ trung học Thành Nội, qua nhà sách Khánh Quỳnh là đến ngã tư Anh Danh, quẹo trái trăm bước là tới.

Tôi chưa kể đến cây Bao báp. Nơi thường trú của nó ở ngay đây. Góc ngã tư này, nhìn lên cao vời vợi, cây trụi lá vào mùa kết trái, những chú chuột mập ú đang thả mình. Chúng vít cái đuôi dài vào cành, treo lủng lẳng thật lạ và vui mắt, lúc đầu anh em tôi chẳng biết tên nên gọi đơn giản là cây trái chuột.

Thắm thoát mà đã gần một năm quen phố quen đường. Nhớ buổi sáng đẹp trời, tôi để ý cô bé xếp hàng trước tôi, mặc đầm hồng, thắt hai bím tóc hai bên cùng màu lên cao hay ngúc ngắt cái đầu như có vẻ đang vội lắm. Cô bé trạc tuổi tôi, đôi mắt đẹp như bác gái trẻ. Cô bé vô ý làm rơi tiền, tôi nhặt lên giúp và gọi trao… Giọng cô bé cảm ơn nghe lạ tai, êm nhẹ thanh thanh.

Vài hôm sau đi học, cô Ngọc Khuê dạy lớp Nhì của chúng tôi đã giới thiệu người bạn mới từ Nha Trang chuyển về. Tâm Đoan chính là cô bé ấy, cô giáo đã xếp bạn ngồi bàn dãy thứ ba. Thế là cô bé và tôi cùng ngồi đầu bàn, chỉ cách lối đi giữa lớp.

Chưa hết chuyện hy hữu. Thật khó mà ngờ được, Tâm Đoan chính là em út của bác gái trẻ.

*

Những buổi trưa hè. Mẹ rữa chén dọn dẹp xong xuôi, nhìn hai anh em tôi đã vào giường ngủ, mẹ mới đi nằm. Thế nhưng, thỉnh thoảng, một lát sau, hai anh em lén mẹ nhẹ bước ra khỏi nhà.

Chẳng đâu xa, chỉ đi ra câu cá hồ Tịnh ngay phía trước, là cái thú của hai anh em tôi. Bờ cỏ nhiều hoa dại, lại có gốc mưng già che mát, hoa rụng đỏ cả vạt lớn. Bé Minh thật khôn ngoan, ngoài việc bày anh hai dấu cần câu và lon giun trong bụi cỏ dọc bên trong tường thành, còn lo móc sẵn hai cái mũ với đồ nhâm nhi, mấy bì mức me chua ngọt sệt sệt, đậu phộng da cá dòn rụm nữa.

Nó lý luận thật siêu. Mẹ có phát hiện la rầy, đội mũ cũng giảm bớt tội bỏ ngủ, dang nắng trốn đi chơi buổi trưa!

Bác họ đã giúp ba tôi có việc làm ở Ty Kiến thiết bên phía An Cựu.

Tuy chúng tôi từ làng vào, nhưng thật là chỉ sinh sống có hai năm, trong mong ước đau đáu trở về quê nhà luôn của cha mẹ. Trước đó, tôi đã học lớp Năm, đầu bậc Tiểu học ở Sài Gòn, gia đình tôi từng có nhà bên cạnh ga Thủ Đức.

Cha tôi có bằng đánh máy chữ, từng đỗ Đíp-lôm nên được vô làm thư ký đánh máy. Mẹ tôi rất đỗi vui mừng. Cha tôi còn làm thêm cả buổi trưa, để dành dụm đủ tiền mong mỏi mua căn nhà nhỏ.

Sen Tịnh Tâm có tiếng từ xưa. Quanh bờ là các dề rau muống, đầu mùa hè nên cũng còn khá nhiều bông.

Bé Minh giận hờn tôi, bỏ liền chạy vô nhà. Bữa đó, thấy hai búp sen hổng gần bờ vừa hé nở quá đẹp. Tôi xắn quần lội ra hái, định bụng tặng Tâm Đoan một bông để giới thiệu về hồ Tịnh Tâm một thể.

– Cho em chọn một bông!

– Không anh. Em lấy cả hai!

– Không được vậy!

– Tại răng?

Nhìn bé Minh phụng phịu, tay hất hất, rơm rớm nước mắt mà thấy thương em gái, tự trách mình quá mến bạn mới.

*

Nhớ mãi ngày đầu tiên vào lớp. Bạn nhìn tôi cười chào. Và khuôn mặt xinh xắn bất ngờ mở to đôi mắt đẹp ngạc nhiên. Cái đầu ca-rê mới cúp độc đáo của tôi, hôm gặp nơi tiệm bánh Xuân Phượng, chắc ấn tượng này đã nhắc nhớ bạn. Tôi liền tỏ thân thiện, cười thật tươi rói!

Giờ ra chơi, thấy bạn đứng tần ngần nơi hành lang, tôi liền đến thăm hỏi. Xong rủ bạn đến quán nhà ông cai trường, bàn giao cho nhóm con gái lớp tôi đang thường trực món cốc dầm, ổi dầm, me dầm. Nhờ vậy, Tâm Đoan mau chóng hoà nhập thiên đường tuổi học trò.

Tôi đi qua phía bọn con trai đang chơi bắn thun ăn thun đặt trong vòng. Nghề ruột của tôi ấy mà. Ham chơi nhưng tôi cũng hay liếc về phía đó. Nhìn mấy bạn nữ ăn đồ chua, nhăn mặt nhăn mày trông thật mắc cười!

Hôm đó, về đến nhà là tôi vội kể với mẹ, với bác gái. Cuối tuần đó, bác gái trẻ thuê xích lô chở cho em Minh và tôi, cùng đến thăm nhà cha mẹ bác, là nhà của Tâm Đoan.

Trên đường đi, bác gái có đôi mắt đẹp kể chậm rãi. Mẹ bác là Nữ hộ sinh quốc gia, làm ở Huế, khi bác vừa lập gia đình, theo về nhà chồng, em trai kế duy nhất vào học Sài Gòn thì ba bác có lệnh thuyên chuyển vào nhận nhiệm sở tận Nha Trang, muộn mằn sinh thêm bé út Tâm Đoan trong đó. Cha mẹ bác lớn tuổi nay trở lại cố hương, ngôi nhà nhờ người bà con chăm coi gần hai mươi năm, giờ có cha mẹ về thật đông vui may mắn.

Nhà vườn của bạn khá gần, ngay góc Nguyễn Hiệu, ngã tư Âm Hồn. Tôi thì đã tạm quen biết, nhưng là con trai, chỉ được vài câu lễ phép chào hỏi, trao đổi lúc đông người, còn bé Minh và Tâm Đoan mau chóng chị chị em em. Cả hai đã ra ngồi chung xích đu bên gốc cây chùm ruột sai quả tận gốc.

Ông bác gọi tôi vào nhà, bà và bác gái lấy bánh hộp ra mời rồi hai mẹ con vô phòng riêng tâm sự. Tôi chăm nhìn ông phương phi, thì ra, đôi mắt đẹp là từ người cha. Ông hỏi, tôi liền đánh trống lãng, tôi muốn xem bộ hình gì là lạ trong tủ kính.

Mà lạ thật, lần đầu tiên tôi trông thấy. Bộ cờ cá ngựa, gia đình tôi bốn người hay chơi, chỉ có 3 hột xúc xắc mà đây đến 6 hột, lại nhiều que xăm chữ hán gì đó nữa. Ông bác vui vẻ lấy ra và nói: Đây là bộ Xăm hường, chơi vui lắm đó cháu!

Vừa soạn tô sứ thả 6 hột xúc xắc, sắp lại các thẻ xăm ngay ngắn, ông vừa giảng giải cho tôi biết cách tính điểm bốc thẻ. Đây là thẻ cao nhất, Trạng nguyên giá trị 32 điểm, tiếp là 1 thẻ Bảng nhãn và 1 thẻ Thám hoa cùng 16 điểm, 4 thẻ Hội nguyên 8 điểm, 8 thẻ Tiến sĩ 4 điểm, 16 thẻ Cử nhân 2 điểm và 32 thẻ Tú tài 1 điểm… rồi chuyện được Trạng mất Trạng!

Tôi nghe qua đến chóng cả mặt mày luôn nhưng khi tiến hành gieo chơi thử thì rõ dần. Cứ mãi cầu mong gieo ra được nhiều mặt hường, là mặt tứ màu hồng,…

*

Lần thứ hai đi mua bánh mỳ gặp nhau.

Chưa đến tiệm mà tôi đã thấy Tâm Đoan đang nhón chân, chăm chú nhìn những con chuột treo ngược ấy. Bạn mặc áo đầm màu xanh ngọc, hai chiếc nơ cũng màu ấy.

Nói ra thì hơi ngượng, sao tôi để ý chuyện ăn mặc của bạn í. Tâm Đoan đi học, cứ hai ngày một bộ, ba áo đầm đổi màu lần lượt là hồng phấn, vàng chanh và xanh ngọc.

Chúng tôi chào nhau. Ra vẻ người am hiểu, tôi đã dẫn giải về loài cây đặc biệt này. Cũng may là hôm trước tôi đã hỏi ba tôi và bác trai.

Cây bao báp này gốc to, nằm trước sân cơ quan Ty Lâm Nghiệp, chiếm hết một khoảng đất rộng, có “quê quán” tận bên Phi châu, xa lắc. Thương đời bao báp ly hương, cả nước ta chỉ có 2,3 cây. Bao báp đứng sừng sững, vươn cao lắm, cao như nhà lầu 3, 4 tầng, có nhiều cành toả các phía mà lại ít lá, vẫn cho hoa như ở bên quê nhà. Trái bao báp to to có hình thù và vỏ ngoài xám xám giống màu lông chuột, lại có cuốn dài. Thịt quả giàu vitamin C và B2. Lá non và rễ dùng nấu canh hay cháo sánh. Thân chứa nhiều nước và muối nên…

Nghe tôi thuyết giảng như một giáo sư chuyên ngành, Tâm Đoan khen với giọng hay đến mê nghe: Bạn quá giỏi luôn!

Bửa đó, tiệm bánh bán chào hàng giảm nửa giá món mới: Bánh mỳ lát chiên bơ. Ngoài bánh mỳ nóng dòn hai đứa mua về nhà, còn chút tiền tôi mua thêm một gói loại mới rồi bóc ngay mời bạn.

Từng miếng bánh mỳ cắt chéo, chiên tẩm thêm những hạt đường cát trắng ra ngoài, nhìn đã thích ngay! Cả hai ra hiên, bốc nhai từng miếng rụm rụm, tấm tắc khen ngon. Tâm Đoan và tôi ăn nhanh đến nổi, khi nói cười vụn bánh và bơ dính láng cả đôi môi.

Thế là chúng tôi thân thiết hơn. Có hôm, Tâm Đoan hẹn tôi cùng ra nhà sách Khánh Quỳnh chọn mua thiệp mừng đón xuân. Bạn muốn chọn vài tấm có ảnh về sông Hương núi Ngự, cầu Tràng Tiền và Hoàng cung, lăng tẩm để gởi tặng các bạn cùng lớp nhỏ trong Nha Trang.

Chọn xong, trông thấy có mấy tấm rắc kim tuyến hay nhũ bạc óng ánh đẹp hơn, bạn lại đổi.

Có vài lần, giờ ra chơi, cùng tuôn cổng trường quay kẹo kéo trúng thưởng cầu may hay mua kẹo bông gòn đủ màu có vị ngọt lịm, to xù và nhanh tan. Tôi rủ bạn chạy ra phía công viên trước Tam Toà. Ngồi độ mươi phút nơi ghế đá im mát dưới bóng cây, bạn hay chỉ tay hỏi loanh quanh về cổng thành, kỳ đài, hai sân banh lớn, về hàng cây mù u, ngôi trường Quốc tử giám Hàm Nghi rêu phong,…

Một kỷ niệm. Buổi chiều đó, mẹ dẫn tôi đi chợ Đông Ba, mẹ phải ghé mua mè xửng Song Hỷ phía Ngã giữa Phan Bội Châu tặng bà con, vì vậy phải đi bộ vào nhà luôn. Lúc đi ngang Ty Lâm nghiệp thấy nhiều người lớn tụm năm tụm ba chỉ trỏ lên cây. Họ đang hái trái bao báp chín!

Tôi níu tay mẹ, nói mẹ vào xin một quả. Mẹ lắc đầu rồi cũng chiều con. Chị lao công bước ra hỏi, kết quả quá mừng không tưởng, chị cho luôn một gói 3 quả.

Hương vị chua chua ngọt thanh của trái bao báp hấp dẫn như me rốp. Thế là hôm sau tôi hí hửng mang đến nhà tặng Tâm Đoan, nói rõ dì là của bạn đã dùng qua.

Tâm Đoan học giỏi và múa hát hay. Đôi song ca nổi tiếng của lớp tôi hồi lớp Ba, nay thành tam ca rất sáng giá trong các lễ hội cấp trường và cấp ngành!

*

Tết Mậu Thân ở Huế, thay vì nghỉ học mười ngày lệ thường đã kéo dài thành nghỉ luôn một tháng rưỡi vì chiến sự.

Ngày trở lại trường sau Tết, chúng tôi đã lên lớp Nhất một học kỳ, chuẩn bị thi hết bậc Tiểu Học, nên phụ huynh đều nhiều lo lắng.

Trước Tết một tháng, gia đình tôi đã từ giã nhà hai bác tốt bụng để lên ở nhà mới mua trên Tây Lộc. Căn nhà khá nhỏ, phía trước có hiên rộng vài mét, có cây lê ki ma và một giàn su su, đó là mơ ước của cha mẹ, cũng nhờ hai bác cho vay thêm tiền vàng rồi ba làm trả dần.

Nhà mới cách trường khá xa nên ba tôi phải đón đưa. Gặp lại thầy cô lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất đầy đủ thật mừng vui, song lớp nào cũng còn thiếu vài bạn, chưa ai rõ lý do sau tang thương khói lửa.

Tâm Đoan và tôi như giành nhau kể những sự kiện của chuỗi ngày bom rơi đạn lạc khiếp sợ, ngủ hầm thiếu thốn ăn uống.

Không ngờ, hôm sau và tiếp hôm sau chẳng thấy bạn đến trường nữa. Ghế đầu bàn cùng dãy tôi bên nữ để trống mãi mãi!

Gia đình đó đã vào luôn Sài Gòn! Một tuần sau, ba tôi ghé thăm nhà hai bác mới rõ sự tình đột ngột. Người con trai, em bác gái, cấp tấp ra và mua sẵn vé máy bay, bắt buộc cha mẹ và em gái rời Huế gấp.

Nổi buồn nhân hai, nhân tư trong lòng tôi. Học chung lớp với nhau hơn một năm, tính tình bạn lại vui vẻ dễ mến.

Bé Minh biết anh hai buồn nên cứ lân la bên anh, khi thì hỏi bài, khi nhờ anh làm đồ chơi.

Tuổi nhỏ rồi tôi cũng quên dần… lại tiếp tục ngày đêm chăm chỉ học hành lớp cuối cấp.

Trước kỳ thi Tiểu học, một phong thư lần đầu tiên ghi tên nhận là tôi, địa chỉ nhà mới!

Nét chữ quen đến thân thương. Ôi! Thư của Tâm Đoan! Bé Minh chạy vội lấy kéo, tôi cẩn thận cắt mép bì. Chỉ có hai tấm hình Nha Trang, một tấm là Chợ Đầm với dòng chữ: Chúc bạn thi tốt nghiệp đạt kết quả cao! Thi đậu vào trường trung học Hàm Nghi! Tâm Đoan.

Còn tấm kia là Cầu Xóm Bóng nổi tiếng với dòng chữ: Mãi nhớ về xứ Huế! Nhớ hương vị trái Bao báp bạn tặng!

Kỷ niệm về người bạn gái tuổi nhỏ ấy một lần nữa thức dậy.

Ba năm sau. Tin vui dồn dập, ba mẹ đến thăm về loan báo, bác hai trẻ đã sinh em bé!

Hôm đầy tháng bé Xuân Thành, cả nhà ngoại từ Sài Gòn kéo về dự đông đủ. Gia đình tôi cũng được mời dự.

Bác gái bế đứa con kháu khỉnh đến bên tôi nói nhỏ, bạn Tâm Đoan của con sắp xuống lầu kìa!

Tôi nín thở ngước nhìn phía cầu thang. Tâm Đoan đã thành thiếu nữ tuổi mười lăm, với áo dài duyên dáng màu xanh da trời, bạn chào mọi người rồi đến bên tôi.

Chúng tôi cùng mỉm cười, sau giây phút ngỡ ngàng mấy năm cách biệt, rồi vài câu vui vẻ thăm hỏi nhau.

Tôi bâng khuâng hẫng hụt như kẻ đánh mất điều gì quý giá vừa bất ngờ nhận lại được, lòng trai mới lớn mâu thuẫn buồn vui. Đôi mắt đẹp ấy, giọng nói nàng thánh thót dễ thương đã cao hơn tôi một cái đầu!

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Bài thơ Bắt Nạt có đáng bị lên án?

Bài thơ Bắt Nạt có đáng bị lên án?

Next Article

[WORD] Bộ đề kiểm tra môn Toán lớp 4

Related Posts