HỎI NHƯ THẾ NÀO?

Chúng tôi xin được đăng một bài viết của tác giả Thùy Cốm, một tác giả vẽ minh họa thiếu nhi, sáng tác sách tranh thiếu nhi.

HỎI NHƯ THẾ NÀO?

Đặt câu hỏi đúng là bạn đã tự giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Tại sao lại cần đặt đúng câu hỏi? Ngoại trừ những người có nhiệm vụ, được trả lương để trả lời mọi thứ bạn cần, phần còn lại không có trách nhiệm giải đáp 1-1 với bạn, đặc biệt là những người lạ, không quen không biết. Ngay cả đối với những người có nghĩa vụ giải đáp bạn, việc đặt câu hỏi đúng giúp tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên, tăng hiệu quả trao đổi, và đặt câu hỏi đúng cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tự thân vận động suy nghĩ (trước khi hỏi) – việc này chắc chắn tốt cho tư duy của bạn về lâu về dài.

Còn đối với những người xa lạ, nếu họ dành thời gian để trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bạn, đó là LÒNG TỐT. Và đừng “tận dụng” thái quá lòng tốt của bất kỳ ai. Ai cũng có công việc riêng, những hiểu biết – kiến thức – kinh nghiệm luôn là những thứ quý giá. Hãy trân trọng thời gian lẫn tri thức của người khác thì người ta mới tôn trọng và muốn giúp đỡ bạn.

Việc chia sẻ kiến thức công khai (vd như viết blog hay làm video) rất khác với việc giải đáp 1-1 (như chat/pm riêng). Những kiến thức này luôn sẵn có, nếu chúng ta chủ động tìm kiếm. Nhiều người rất lười đọc bài viết, lười tự tìm hiểu chỉ muốn được có người chỉ tay cho từng bước. Bên cạnh đó, giờ việc học có rất nhiều hình thức, nhiều nguồn, cả miễn phí lẫn có trả phí.

Mình là đứa hay bị… cố lịch sự quá, hay cố gắng trả lời mọi tin nhắn, mọi câu hỏi. Tuy vậy, qua nhiều năm, mình gặp rất nhiều chuyện không hay, tốn thì giờ gây bực mình. Ví dụ như phân nửa những người mình giải đáp thắc mắc không thèm cảm ơn một câu, chỉ seen. Hoặc có những bạn “xả” cho mình một đống những câu hỏi về chuyên môn mà không thể giải đáp qua vài dòng chat được và nếu bạn thực sự muốn giải đáp hết những thứ đó, tốt nhất bạn nên đi học một khoá.

Vậy làm thế nào để hỏi được việc của mình mà không gây phiền hà cho người mình muốn hỏi?

HỎI NHƯ THẾ NÀO?

  1. GOOGLE! Liệu điều mình muốn biết có thể tự search được không? Bạn đã thử google chút nào trước khi hỏi hay chưa?
  2. Hãy sắp xếp những gì muốn hỏi một cách mạch lạc, cụ thể, ngắn gọn. Đừng hỏi những thứ quá vĩ mô, quá chung chung, quá rộng… (vd như hỏi làm sao để trở thành một hoạ sĩ giỏi, đó là một câu hỏi rất chung chung và bạn sẽ chỉ nhận được những câu trả lời tương đối và nói thật là không giúp ích nhiều cho bạn lắm!)
  3. Bạn đã tìm đọc các kênh của người bạn sắp hỏi chưa? Liệu họ đã từng viết về vấn đề đó ở đâu chưa? Hãy dành vài phút lướt qua blog hoặc FB của họ.
  4. Khi hỏi, hãy chào hỏi đàng hoàng. Không dài dòng nhưng phải LỊCH SỰ.
  5. Hãy type hết những gì muốn hỏi và gửi liền một thể. Để nếu họ đọc được tin nhắn của bạn và muốn trả lời họ sẽ trả lời được ngay. KHÔNG AI CHỜ ĐỂ CHAT VỚI BẠN, NHẤT LÀ NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT.
  6. Sau khi được trả lời, hãy nhớ CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, CẢM ƠN, bất kể là câu trả lời của người đó (bạn thấy) có ích hay không.

Mọi thứ mình biết, mình học được đều phải đánh đổi bằng một thứ gì đó: dễ dàng nhất là tiền, không thì là rất nhiều thời gian, công sức đầu tư vào. Không có cái gì miễn phí và dễ dàng dâng tận miệng cả. Tóm gọn, muốn cái gì hãy nhấc mông lên vận động đi nào!

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article

Học Toán như thế nào?

Next Article

Nuôi dưỡng tình yêu Toán học

Related Posts