5 đề thi Văn lớp 3 giữa học kì 1

Đề thi Văn lớp 3 giữa học kì 1 số 1

CHÚ SẺ VÀ BÔNG HOA BẰNG LĂNG

  Ở gần tổ của một chú sẻ non đang tập bay có một cây bằng lăng. Mùa hoa này, bằng lăng nở hoa mà không biết vui vì bé Thơ, bạn của cây, phải nằm viện. Sẻ non biết bằng lăng đã giữ lại một bông hoa cuối cùng để đợi bé Thơ.

  Sáng hôm ấy, bé Thơ về, bông bằng lăng cuối cùng đã nở. Nhưng bông hoa lại nở cao hơn cửa sổ nên bé không nhìn thấy nó. Bé cứ ngỡ là mùa hoa đã qua.

  Sẻ non rất yêu bằng lăng và bé Thơ. Nó muốn giúp bông hoa. Nó chắp cánh, bay vù về phía cành bằng lăng mảnh mai. Nó nhìn kĩ cành hoa rồi đáp xuống. Cành hoa chao qua, chao lại. Sẻ non cố đứng vững. Thế là bông hoa chúc hẳn xuống, lọt vào khuôn cửa sổ.

  Lập tức, sẻ nghe thấy tiếng reo từ gian phòng tràn ngập ánh nắng:

Ôi, đẹp quá! Sao lại có bông bằng lăng nở muộn thế kia?

(Theo Phạm Hổ)

* Khoanh vào chữ cái đặt trước ý em cho là đúng trong các câu hỏi sau và hoàn thành tiếp các bài tập:

Câu 1. Bằng lăng muốn giữ lại bông hoa cuối cùng để làm gì?

A. Để tặng cho sẻ non.

B. Để trang điểm cho ngôi nhà của bé Thơ.

C. Để dành tặng bé Thơ vì bé Thơ bị ốm phải nằm viện chưa được nhìn thấy hoa nở.

Câu 2. Vì sao khi bông hoa bằng lăng cuối cùng nở, bé Thơ vẫn không nhìn thấy và nghĩ rằng mùa hoa đã qua?

A. Vì hoa chóng tàn quá bé Thơ chưa kịp ngắm.

B. Vì bông hoa nở cao hơn cửa sổ nên bé không nhìn thấy.

C. Vì bé Thơ mệt không chú ý đến hoa.

Câu 3. Sẻ non đã làm gì để giúp bằng lăng và bé Thơ?

A. Sẻ non hót vang để bé Thơ thức dậy ngắm hoa bằng lăng.

B. Sẻ non hái bông hoa bằng lăng bay vào buồng tặng bé Thơ.

C. Sẻ non đậu vào cành hoa bằng lăng làm cho nó chúc xuống để bông hoa lọt vào khung cửa sổ.

Câu 4. Câu văn có hình ảnh so sánh là:

A. Bé Thơ cười tươi như một bông hoa.

B. Sẻ non rất yêu bằng lăng và bé Thơ.

C. Bé cứ nghĩ là mùa hoa đã qua.

Câu 5. Điền tiếp bộ phận còn thiếu để tạo câu theo mẫu Ai là gì?

Bằng lăng và sẻ non là ………………………………………………………………………

* Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) kể về tình cảm của bố mẹ hoặc người thân của em đối với em.

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Đáp án

Câu 1. C. Để dành tặng bé Thơ vì bé Thơ bị ốm phải nằm viện chưa được nhìn thấy hoa nở.

Câu 2. B. Vì bông hoa nở cao hơn cửa sổ nên bé không nhìn thấy.

Câu 3. C. Sẻ non đậu vào cành hoa bằng lăng làm cho nó chúc xuống để bông hoa lọt vào khung cửa sổ.

Câu 4. A. Bé Thơ cười tươi như một bông hoa.

* Viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) kể về tình cảm của bố mẹ hoặc người thân của em đối với em.

Bài mẫu 1:

Trong gia đình em, mọi người đều quan tâm đến em. Người gần gũi và chăm sóc cho em nhiều nhất là mẹ. Mẹ thường xuyên nhắc nhở: “Con gái phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, cố gắng học tốt”. Mỗi ngày, ngoài việc chợ búa, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, mẹ luôn dạy bảo, hướng dẫn em trong việc học tập. Những ngày nghỉ, mẹ dẫn em đi chơi, đi siêu thị. Mọi việc ở lớp, ở trường dù vui hay buồn, em đều tâm sự cùng mẹ. Bên mẹ, em cảm thấy tự tin hơn. Mẹ là tất cả của em.

Bài mẫu 2:

Ngoài mẹ, bố là người gần gũi với em nhất. Bố rất yêu em. Bố đi làm cả ngày ở nhà máy, tối mới về đến nhà. Cơm nước xong là bố kèm em học. Bố coi sóc bài vở của em rất tỉ mỉ. Bố dạy cho em từng cách viết để trình bày bài làm ở nhà. Bố giảng giải cho em từng bài toán khó, dạy từng câu văn. Nhờ có bố, em học hành tiến bộ và đạt nhiều điểm chín, điểm mười hơn. Nhận thấy em tiến bộ, cả bố và mẹ đều vui. Vào ngày nghỉ, khi em học bài và làm xong việc, bố dạy em cách câu cá hoặc tự làm đồ chơi. Bố lúc nào cũng âu yếm và chăm lo cho em từng li từng tí. Em rất tự hào về bố, người đã dạy dỗ em rất chu đáo, đầy tình yêu thương. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để bố mẹ vui lòng.

Đề thi văn lớp 3 giữa học kì 1 số 2

CẬU BÉ THÔNG MINH

Ngày xưa, có một ông vua muốn tìm người tài ra giúp nước. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng, nếu không có thì cả làng phải chịu tội.

 Được lệnh vua, cả vùng lo sợ. Chỉ có một cậu bé bình tĩnh thưa với cha:

Cha đưa con lên kinh đô gặp Đức Vua, con sẽ lo được việc này.

 Người cha lấy làm lạ, nói với làng. Làng không biết làm thế nào, đành cấp tiền cho hai cha con lên đường.

 Đến trước cung vua, cậu bé kêu khóc om sòm. Vua cho gọi vào, hỏi:

Cậu bé kia, sao dám đến đây làm ầm ĩ?

Muôn tâu Đức Vua – cậu bé đáp – bố con mới đẻ em bé, bắt con đi xin sữa cho em. Con không xin được, liền bị đuổi đi.

Vua quát:

Thằng bé này láo, dám đùa với trẫm! Bố ngươi là đàn ông thì đẻ sao được!

Cậu bé bèn đáp:

Muôn tâu, vậy sao Đức Vua lại ra lệnh cho làng con phải nộp gà trống biết đẻ trứng ạ?

Vua bật cười, thầm khen cậu bé, nhưng vẫn muốn thử tài cậu lần nữa.

Hôm sau, nhà vua cho người đem đến một con chim sẻ nhỏ, bảo cậu bé làm ba mâm cỗ. Cậu bé đưa cho sứ giả một chiếc kim khâu, nói:

Xin ông về tâu Đức Vua rèn cho tôi chiếc kim này thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Vua biết là đã tìm được người giỏi, bèn trọng thưởng cho cậu bé và gửi cậu vào trường học để luyện thành tài.

(TRUYỆN CỔ VIỆT NAM)

Câu 1. Nhà vua nghĩ ra kế gì để tìm người tài?

A. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng.

B. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà mái biết đẻ trứng.

C. Cả hai ý trên đều đúng.

Câu 2. Vì sao dân chúng lo sợ khi nghe lệnh của nhà vua?

A. Vì gà mái không đẻ trứng được.

B. Vì gà trống không đẻ trứng được.

C. Vì không tìm được người tài giúp nước.

Câu 3. Trong cuộc thử tài lần sau, cậu bé yêu cầu điều gì?

A. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua đưa cho một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

 B. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một lưỡi hái thật sắc để xẻ thịt chim.

C. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Câu 4. Tìm những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ dưới đây:

A. Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành.

……………………………………………………………………………………

B. Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

………………………………….………………………………………………….

* Viết một bức thư ngắn cho bạn hoặc người thân kể về việc học tập của em trong học kỳ 1 vừa qua.

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Đáp án

Câu 1. A. Vua hạ lệnh cho mỗi làng trong vùng nọ nộp một con gà trống biết đẻ trứng.

Câu 2. B. Vì gà trống không đẻ trứng được.

Câu 3. C. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu Đức Vua rèn chiếc kim thành một con dao thật sắc để xẻ thịt chim.

Câu 4. A. Hai bàn tay em

Như hoa đầu cành.

Các sự vật được so sánh là: hai bàn tay em và hoa đầu cành

B. Trẻ em như búp trên cành

Các sự vật được so sánh là: trẻ em, búp trên cành

* Viết một bức thư ngắn cho bạn hoặc người thân kể về việc học tập của em trong học kỳ 1 vừa qua.

Gợi ý:

   + Em định viết thư gửi ai? (Ví dụ: Viết gửi cho ông nội hoặc bà nội)

   + Dòng đầu thư em sẽ viết thế nào? Em xưng hô như thế nào để thể hiện sự kính trọng và yêu quý? (Ví dụ: ông nội (bà nội) yêu quý của con!)

   + Trong phần nội dung, em sẽ hỏi thăm ông (bà) điều gì, báo tin (kể) cho ông (bà) biết điều gì? (Hỏi thăm sức khỏe ông (bà); kể về kết quả học tập của em; kể cho ông (bà) tin mừng của gia đình em;…)

   + Cuối thư: Em chúc ông (bà) mạnh khoẻ, vui vẻ,…

   + Em hứa cố gắng chăm học, chăm làm,… đế ông (bà) vui. Hứa đến hè về thăm ông (bà)…

* Tinh cảm trong thư phải chân thành, đúng mực, không giả tạo, khách sáo.)

Đề thi văn lớp 3 giữa học kì 1 số 3

Con heo đất

Tôi đang mong bố mua cho tôi một con rô bốt. Nhưng bố lại mang về một con heo đất. Bố chỉ vào cái khe trên lưng nó, bảo:

– Con cho heo ăn nhé! Con lớn rồi, nên học cách tiết kiệm.

Từ đó, mỗi lần bố mẹ cho tiền ăn quà, mua sách, có chút tiền lẻ thừa ra, tôi lại được gửi heo giữ giúp. Tết đến, có tiền mừng tuổi, tôi cùng dành cho heo luôn. Bố mẹ bảo:

– Chừng nào bụng con heo đầy tiền, con sẽ đập con heo ra, lấy tiền mua rô bốt.

Thật ra con heo cũng dễ thương. Mũi nó mát lạnh và nó mỉm cười khi tôi cho tiền vào lưng nó. Nó mỉm cười cả khi tôi chẳng có đồng nào. Tôi thực sự yêu thương nó.

Thấm thoắt một năm đã trôi qua. Một hôm, bố tôi vào phòng, lật con heo, lắc mạnh và bảo:

– Bụng nó đầy ứ rồi. Con đập vỡ nó được rồi đấy!

Tôi sao nỡ làm vậy! Tôi nói với bố:

– Con không cần rô bốt nữa!

Rồi tôi năn nỉ bố mẹ cho giữ lại con heo. Cuối cùng, bố mẹ cũng chiều ý tôi. Thế là con heo đất còn làm bạn với tôi thêm một thời gian nữa.

Theo ÉT-GA KE-RÉT (Hoàng Ngọc Tuấn dịch)

Câu 1: Bạn nhỏ mong bố mẹ mua cho đồ chơi gì?

A. Bạn nhỏ mong bố mua cho bạn một con rô bốt.

B. Bạn nhỏ mong bố mua cho bạn một con heo đất

C. Bạn nhỏ mong bố mua cho bạn một chú ngựa con

Câu 2. Con heo đất đã đồng hành với bạn nhỏ được bao lâu rồi?

A. Thấm thoắt một năm đã trôi qua

B. Thấm thoắt hai năm đã trôi qua

C.Thấm thoắt ba năm đã trôi qua

Câu 3. Tìm trong truyện trên những từ chỉ các bộ phận của con heo đất

A. Mũi, lưng, miệng, bụng, chân, tai, mắt

B. lưng, miệng, bụng, chân

C. Mũi, lưng, miệng, bụng

II. Bài tập về chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn

1. Chính tả

Nghe – viết đoặn văn sau:

Có lần, cô giáo ra cho chúng tôi một đề văn ở lớp: “Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?”.

Tôi loay hoay mất một lúc, rồi cầm bút và bắt đầu viết: “Em đã nhiều lần giúp đỡ mẹ. Em quét nhà và rửa bát đĩa. Đôi khi, em giặt khăn mùi soa.”.

Đến đấy, tôi bỗng thấy bí. Quả thật, ở nhà, mẹ thường làm mọi việc. Thỉnh thoảng, mẹ bận, định bảo tôi giúp việc này việc kia, nhưng thấy tôi đang học, mẹ lại thôi.

2. Bài tập: Điền vào chỗ trống hoặc n:

Trên sân, các em nhỏ tung tăng …..ô đùa. Ai cũng vui vẻ, sung sướng. Trên cành cao, chú chim nhỏ cũng nhảy nhót, hót …..íu …..o. Có …..ẽ vì hôm nay là ngày tựu trường, …..ên ai cũng vui tươi, háo hức.

3. Tập làm văn

Đề bài: Viết một đoạn văn kể chuyện em nuôi con heo đất

Đáp án:

I. Đọc và trả lời

Câu 1:

A. Bạn nhỏ mong bố mua cho bạn một con rô bốt.

Câu 2.

A. Thấm thoắt một năm đã trôi qua

Câu 3.

A. Mũi, lưng, miệng, bụng, chân, tai, mắt

II. Bài tập về chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn

1. Chính tả

2. Điền như sau:

Trên sân, các em nhỏ tung tăng nô đùa. Ai cũng vui vẻ, sung sướng. Trên cành cao, chú chim nhỏ cũng nhảy nhót, hót líu lo. Có lẽ vì hôm nay là ngày tựu trường, nên ai cũng vui tươi, háo hức.

3. Món quà năm mới mà em yêu thích nhất là chú heo đất đáng yêu được bố mẹ tặng. Con heo đất của em có màu xanh nước biển, bụng nó tròn vo, nó có chiếc mũi hếch lên và miệng nó mỉm cười. Đặc biệt heo đất của em còn có thể phát bài Con heo đất của Xuân Mai cực hay. Khi được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hay tiền mua đồ dùng học tập còn thừa, em đều nhét vào lưng heo đất. Nhờ nuôi heo đất mà em đã tiết kiệm được tiền để mua chiếc xe đạp.

Đề thi văn lớp 3 giữa học kì 1 số 4

Phần 1: Đọc hiểu

Đọc thầm đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Lật từng trang sách mới
Chao ôi là thơm tho
Này đây là nương lúa
Dập dờn những cánh cò.

Bao nhiêu chuyện cổ tích
Cũng có trong sách hay
Cô dạy múa, dạy hát
Làm đồ chơi khéo tay.

(trích Đi học vui sao – Phạm Anh Xuân)

Câu 1: Hãy đánh dấu ✓ vào ô trống đứng trước câu trả lời đúng:

a) Lật từng trang sách mới, bạn nhỏ ngửi thấy mùi hương như thế nào?

☐ thơm lừng
☐ thơm ngát
☐ thơm tho
☐ thơm nồng

b) Trên bức tranh nương lúa, bạn nhỏ nhìn thấy điều gì?

☐ những cánh cò
☐ những chú chim sẻ
☐ những bác nông dân
☐ những tia nắng

c) Bạn nhỏ đọc những câu chuyện cổ tích ở đâu?

☐ tập truyện cô giáo phát
☐ tập truyện ở thư viện
☐ tập truyện mẹ mua cho
☐ quyển sách hay

d) Dòng nào sau đây không nói về việc mà cô giáo làm được?

☐ dạy bạn nhỏ múa
☐ dạy bạn nhỏ làm thơ
☐ dạy bạn nhỏ hát
☐ làm đồ chơi

Câu 2: Em hãy viết 1-2 câu để nói về đặc điểm của cô giáo trong đoạn thơ trên.

Phần 2: Luyện tập 

Câu 1: Hãy liệt kê những từ ngữ chỉ sự vật có ở trường học:

a) Có chứa tiếng bắt đầu bằng s hoặc x (3 từ ngữ)

b) Có chứa tiếng có dấu hỏi hoặc dấu ngã (3 từ ngữ)

Câu 2: Điền vào bảng (theo mẫu):

Tiết họcHoạt động nổi bậtCảm xúc của em
Tiếng Anhchơi trò chơi nối từ bằng tiếng anhvui thích, phấn khởi
   
   

Câu 3: Dựa vào nội dung đã điền trong bảng ở câu 2, em hãy viết 2-3 câu về tiết học mà mình yêu thích nhất.

Đáp án 

Phần I. Đọc và trả lời (3 điểm)

Câu 1: (2 điểm, mỗi ý đúng 0,5 điểm)

a) Thơm thơ.

b) Những cánh cò.

c) Quyển sách hay.

d) Dạy bạn nhỏ làm thơ.

Câu 2: (1 điểm)

Cô giáo em rất giỏi làm đồ chơi.

Phần II: Luyện tập 

Câu 1: (1 điểm)

a) Sân trường, sách vở, 

b) Cổng trường, cánh cổng, cục tẩy.

Câu 2: (2 điểm)

Học sinh làm bài theo cảm nhận cá nhân. 

Câu 3: (4 điểm)

– Trình bày dưới dạng một đoạn văn khoảng 3 câu, kể về tiết học mà mình yêu thích, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, rõ ràng.

– Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.

Đề thi văn lớp 3 giữa học kì 1 số 5

Phần I. Đọc hiểu

Đọc thầm đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

 Hoa và cỏ đứng bên nhau hiền lành nhìn các bạn nhỏ chạy nhảy, nô đùa. Thỉnh thoảng, đám hoa cỏ cũng rung nhè nhẹ khi một cơn gió tràn qua. Rồi cơn gió lớn hơn, đám cỏ nghiêng ngả xô vào nhau. Những hạt giống nhỏ theo gió bay đi. Gió qua rồi, đám cỏ quay trở lại trật tự hiền lành. Nhìn sâu dưới chân có thấy được cả những mầm non nhỏ như những chú kiến đang ngơ ngác trước những bước chân học trò tung tăng đùa giỡn.

(Trích Hoa cỏ sân trường – Võ Diệu Thanh)

Hãy đánh dấu vào ô trống đứng trước câu trả lời đúng:

a) Dòng nào sau đây nói đúng về khoảng cách giữa hoa và cỏ?

☐ hoa và cỏ cách nhau khá xa

☐ hoa và cỏ đứng bên nhau

☐ hoa và cỏ đứng rất sát nhau

☐ hoa và cỏ đứng cách nhau bởi hàng rào

b) Từ nào chỉ đặc điểm của hoa và cỏ?

☐ hiền dịu

☐ hiền lành

☐ hiền hậu

☐ hiền từ

c) Mỗi khi có gió tràn qua, hoa và cỏ làm gì?

☐ rung nhè nhẹ

☐ bay theo gió

☐ tung tăng đùa giỡn

☐ ngủ say sưa

d) Những mầm non nhỏ dưới chân giống như con vật gì?

☐ con nai vàng ngờ ngác

☐ con mèo con ngơ ngác

☐ con kiến đang ngơ ngác

☐ bạn học sinh ngơ ngác

e) Dòng nào sau đây không phải là từ chỉ đặc điểm?

☐ hiền lành

☐ nô đùa

☐ nhè nhẹ

☐ ngơ ngác

Phần 2: Luyện tập

Câu 1: Nhìn – viết:

Sát hàng rào là một thế giới của những cây đuôi lươn dáng mềm, lá dài như những dải lụa. Cạnh đấy, những bụi cỏ may nở những cánh hoa li ti. Hàng xóm của hoa là những bụi cỏ đã kết từng hạt nhỏ như hạt bụi.

Câu 2: Chọn hai loại trái cây mà em yêu thích rồi điền các từ ngữ về loại quả đó vào bảng sau (theo mẫu):

Tên quảHình dángMàu sắcMùi vị
M: Dưa hấutròn, tovỏ xanh, ruột đỏngọt mát

Câu 3:

a) Ở trường em có những câu lạc bộ nào? Em thích câu lạc bộ nào nhất?

b) Hãy hoàn thành mẫu đơn sau đây để xin vào câu lạc bộ mà em yêu thích:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

…, ngày … tháng … năm …

ĐƠN XIN GIA NHẬP SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ 

Kính gửi:

Em tên là:

Ngày sinh: Nam/nữ:

Lý do:

Em xin hứa sẽ thực hiện đúng nội quy của Câu lạc bộ

Em xin trân trọng cảm ơn!

Người làm đơn

(Kí và ghi rõ họ tên)

Đáp án 

Phần I. Đọc hiểu (2,5 điểm)

a. Hoa và cỏ đứng bên nhau.

b. Hiền lành.

c. Rung nhè nhẹ.

d. Con kiến đang ngơ ngác.

e. Nô đùa.

Phần II. Luyện tập (7,5 điểm)

Câu 1: Nhìn – viết (3 điểm)

– Yêu cầu:

+ Tốc độ viết ổn định, không quá chậm.

+ Viết đủ, đúng, chính xác nội dung được đọc.

+ Chữ viết đẹp, đều, đúng ô li, đủ nét.

+ Trình bày sạch sẽ, gọn gàng.

Câu 2: (1,5 điểm)

Học sinh làm theo mẫu.

Câu 3: (3 điểm)

a. Học sinh kể tên các câu lạc bộ ở trường và lựa chọn câu lạc bộ mình yêu thích nhất.

b. 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 1 tháng 9 năm 2022

ĐƠN XIN GIA NHẬP SINH HOẠT CÂU LẠC BỘ 

Kính gửi: Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Mĩ thuật

Em tên là: Nguyễn Văn Hoàng

Ngày sinh: 14/6/2014       Nam/nữ: Nam

Lý do: Em có sở thích, năng khiếu về Mĩ thuật. Nhận thấy Câu lạc bộ Mĩ thuật rất phù hợp với khả năng của em, do đó, em làm đơn này rất mong Bạn Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho phép em gia nhập làm hội viên của Câu lạc bộ.

Em xin hứa sẽ thực hiện đúng nội quy của Câu lạc bộ

Em xin trân trọng cảm ơn!

Người làm đơn

(kí tên)

Nguyễn Văn Hoàng

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Những Tấm Gương Tự Học Nổi Tiếng Ở Việt Nam

Những Tấm Gương Tự Học Nổi Tiếng Ở Việt Nam

Next Article
Phương pháp Pomodoro là gì?

Phương pháp Pomodoro là gì?

Related Posts