GIÚP CON TÌM RA CÁI CON THÍCH

GIÚP CON TÌM RA CÁI CON THÍCH

Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết GIÚP CON TÌM RA CÁI CON THÍCH của tác giả Phương Đặng.

HỎI

Mình mãi tới tuổi này chưa biết mình thích gì, muốn gì. Vậy làm sao để giúp con tìm ra cái con thích?

ĐÁP

Đối với bất cứ vấn đề nào cha mẹ muốn giúp con, bản thân cha mẹ tốt nhất phải trải qua việc đó và đã giải được vấn đề đó cho chính mình. Như thế, bạn biết quá trình sẽ đòi hỏi những gì, mình sẽ phải trải qua những gì.

Vấn đề lớn là ở chỗ bản thân cha mẹ chưa giải được cho chính mình. Khi đó, việc giúp đỡ con trở nên rất khó khăn, hoang mang – vì mình không biết đường nào là đúng. Nó cũng giống như bản thân cha mẹ chưa học tiếng Anh được thành thạo, nên khi hỗ trợ con học thì dễ trở nên bị thu hút bởi vô số nguồn sản phẩm, trường lớp (mà rất nhiều chỉ đơn thuần là kinh doanh) hứa hẹn rằng đây là câu trả lời.

Tìm ra được thứ mình yêu thích để đi lâu dài không diễn ra một sớm một chiều, và xảy ra ở các thời điểm khác nhau với từng cá nhân. Có những cá nhân tìm ra được sở thích, mối quan tâm theo lâu dài từ khi họ còn nhỏ; số khác vào giai đoạn vị thành niên; số khác là ở giai đoạn 20, thậm chí 30+, 40+.

Mỗi cá thể một khác, quá trình khám phá, phát triển còn dài; và cho dù cha mẹ có thể tin rằng đây là công việc của mình, đó thực chất là việc của đứa trẻ. Đừng tìm cách thúc nhanh quá trình này, để làm thay con việc của con, để gửi con thông điệp “con phải tìm ra được cái gì đi chứ.”

Sở thích, mối quan tâm có thể còn thay đổi tuỳ từng giai đoạn. Có những cái kéo dài một vài năm hay cả chục năm, rồi đi tới hồi kết. Một sở thích theo lâu dài không nhất thiết phải biến thành công việc để kiếm ra tiền. Nó cũng không có nghĩa rằng bạn phải trở nên giỏi xuất sắc thì mới đáng để theo đuổi nó.

Con vẫn là một đứa trẻ. Và những câu hỏi lớn của cuộc đời cần nhiều thời gian và sự trưởng thành.

Vai trò của cha mẹ là giới thiệu, cung cấp, hỗ trợ, và thậm chí sự hỗ trợ nhiều khi khó hơn ở đoạn cha mẹ phải học cách lùi lại và để cho con được có những lựa chọn riêng của con, chừng nào nó còn trong khuôn khổ lành mạnh.

Lấy ví dụ như mình, mình phát hiện ra mình thích hát từ năm lên 4, 5. Sở thích đó kéo dài cho tới tận bây giờ. Thời thơ ấu của mình, mẹ mình đã từng có giai đoạn tìm cách cấm cản, hạn chế thời gian nghe nhạc-hát của mình vì mẹ sợ việc đó ảnh hưởng tới học hành. Mình đã từng có mong muốn học hát khi lên đại học và không được mẹ chấp nhận. Thế nhưng bất chấp tất cả, sở thích đó vẫn theo mình tới tận bây giờ, khi mình đã là bà mẹ hai con. Nó không thành một nghề để kiếm sống, nhưng nó đem lại niềm vui, giúp mình cân bằng lại nhiều thứ, thậm chí giúp mình vượt qua một số giai đoạn bão tố nhất.

Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con là hãy để con được là mình.

Nhưng ngay cả lời khuyên này cũng có hại – khi cha mẹ không hiểu “là mình” nghĩa là gì, vì bản thân họ không sống thật với chính mình, không biết mình là ai. “Là mình” có thể trở thành một lối sống vị kỷ, được nuông chiều, đòi hỏi thái quá, bất tuân, thách thức, cố chứng tỏ sự khác biệt và khẳng định bản thân – và đó không phải “là mình”.

Có lẽ lời khuyên hợp lý hơn là: hãy hỗ trợ và giúp, nhưng ở mức vừa phải; đừng tìm cách giải vấn đề thay con, mà hãy tìm cách hiểu con. Và trên hết là học hiểu mình. Cha mẹ hiểu mình thì sẽ tự thấy con đường nuôi dạy con sáng rõ lên nhiều.

(16.8.22)

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Arthur Schopenhauer bảo vệ cái mới

BẢO VỆ CÁI MỚI

Next Article
SÁCH CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THCS

SÁCH CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THCS

Related Posts