BẢO VỆ CÁI MỚI

Arthur Schopenhauer bảo vệ cái mới

Dạy&Học xin được giới thiệu bài viết “BẢO VỆ CÁI MỚI” của triết gia Arthur Schopenhauer do thầy Phượng Nguyễn lược dịch.

Khi khám phá ra cái mới, rất ít người có may mắn được thừa nhận nhanh chóng, bởi thông thường cái mới đó sẽ bị công kích dữ dội, bị coi thường, bị chế nhạo. Phải có bản lĩnh vững vàng và nhân cách lớn thì mới vượt qua được. Điều dễ hiểu là cái mới đó làm hàng loạt tri thức trở nên lạc hậu, vì làm cho hàng loạt người bị trở thành dốt nát, ngớ ngẩn. Thiếu gì những viện sĩ hàn lâm của ngày hôm qua trở thành kẻ lẩm cẩm trong ngày hôm nay và trở thành kẻ điên khùng vào ngày mai?

BẢO VỆ CÁI MỚI
Arthur Schopenhauer (22/2/1788 – 21/9/1860) là một nhà triết học duy tâm người Đức, nổi tiếng với trước tác Thế giới như là ý chí và biểu tượng xuất bản năm 1818

Tìm ra được cái mới là điều rất khó khăn, nhưng bảo vệ cái mới lại là điều gian nan không kém. Cái mới không bao giờ dễ dàng thâm nhập được vào đời sống kinh tế xã hội. Một thứ đang dùng được, dù rằng đôi lúc có hơi trục trặc, mà lại bày đặt ra cái mới thì quả thật là vẽ chuyện. Đừng hy vọng dùng cái mới mà cải tạo được những bộ óc cũ. Max Planck, nhà vật lý lý thuyết được giải thưởng Nobel, người đã đưa ra thuyết lượng tử có nói: “Một chân lý khoa học mới không chiến thắng bằng việc thuyết phục địch thủ của mình và làm cho họ nhìn thấy ánh sáng, mà đúng hơn là vì kẻ thù của chân lý cuối cùng sẽ chết và một thế hệ mới lớn lên quen thuộc với chân lý đó”

Tiến trình bảo vệ cái mới đòi hỏi phải có bản lĩnh. Sự ghen ghét, hằn học và những điều khó chịu đang chờ đợi khi tài năng đề xuất cái mới. Dù là mang lại điều tốt lành nhất cho cộng đồng thì tài năng cũng chuẩn bị tinh thần là phải đương đầu với những phê phán, những phản bác, thậm chí là những sự vu khống, phỉ báng. Có những điều phát hiện mà bản thân nó sẽ đem lại sự nguy hiểm cho chính sinh mạng của tài năng, nhất là tài năng đã nghiên cứu về những điều cấm kỵ. Arthur Schopenhauer có nói: “Tất cả các chân lí đều phải trải qua ba giai đoạn, thoạt đầu nó giống như sự ngốc nghếch, tiếp đó nó bị phản đối một cách thô bạo, và sau cùng nó mới được công nhận”.

Tài năng phải có cách thể hiện khéo léo để hạn chế những phản ứng bất lợi đối với mình và phải sử dụng các chiến thuật thuyết phục, đấu tranh, gạt bỏ. Tùy theo môi trường văn hoá, xã hội, tuỳ theo những điều kiện lịch sử mà lựa chọn cách bảo vệ thích hợp. Có những cách trả lời bất cứ những câu hỏi nào mà người ta đưa ra. Có khi không mất thời gian tranh luận vớ vẩn với những đối thủ không xứng tầm, như Marx đã làm. Đối với những đối thủ đó thì có cách gạt đi, và nếu cần thiết phải tiến hành tranh luận thì nhanh chóng chỉ ra những điều dốt nát, lố bịch nhất của những ý kiến phản bác. Có những cuộc tranh luận không cần phải tham gia, có những việc không cần phải làm, và có những cách bảo vệ tốt nhất lại là sự phát triển sang hướng khác. Tốt nhất là trình bày cái mới dưới dạng sự phát triển từ một truyền thống được mọi người thừa nhận qua sự tổng kết thực tiễn. Mỗi thời đại đòi hỏi tài năng phải tóm tắt được điều cốt yếu của các công trình đi trước.

Hơn bao giờ hết, tài năng phải tự bảo vệ mình, và phải mài sắc những lập luận của mình, mở rộng, thấy được những ý nghĩa của những điều mình đã phát hiện ra. Đây là một tiến trình khó khăn, gian khổ và điều đáng nói là không ít khi phải phó thác cho số phận. Cần phải mở rộng tầm lan toả của các thành tựu đã được phát hiện ra. Những lập luận tinh tế, những ví dụ minh hoạ sống động, và những cuộc tranh luận tưởng tượng. Nhưng hơn bao giờ hết, tài năng phải tìm ra được kiểu cách riêng để kích thích những kẻ kế tục.

Mọi tài năng cần phải khẳng định được mình thì mới xứng đáng được gọi là tài năng. Nhưng khẳng định được mình không có nghĩa là đem lại được tiền bạc và sự giàu có cho tài năng. Điều này đúng ở chỗ các tác phẩm tài năng không bán được. Van Gogh không bán được tranh khi còn sống, nhiều thiên tài bị rơi vào cảnh khốn cùng, và tai hại hơn, nhiều người bị mất việc, bị mất điều kiện sinh sống, bị tước đi khả năng phát biểu, bảo vệ mình trong các phương tiện thông tin đại chúng.

Tài năng là biết cách làm tốt mọi việc, biết cách làm mới đối với công việc bằng cách đưa được những sáng tạo mới trong những lĩnh vực nào đó vào công việc của mình. Tài năng tự mở cho mình con đường để khẳng định được mình, mỗi thời đại, tài năng phải vượt qua những định kiến, những ràng buộc, những điều đã trở thành lẽ phải thông thường của xã hội đương thời.

Tài năng ở giai đoạn khẳng định mình thì phải ở những công việc cụ thể. Tài năng có khi được khẳng định trong việc hoàn thành các công việc cụ thể, các công việc tiến hành trên thực địa mà đòi hỏi các giải pháp hết sức khác nhau. Vào một độ tuổi nào đó thì mới nói đến tài năng đích thực được. Không phải tài năng nào cũng qua được thử thách của thời gian. Có những lĩnh vực mà tài năng không kéo dài lâu. Người ta cần có những hoạt động làm mới mình. Không đứng ở đỉnh cao, không thường xuyên được tiếp xúc với những đỉnh cao thì rất nhanh chóng trở nên lạc hậu.

Môi trường năng động là rất cần thiết để tài năng khẳng định mình, do những thách thức luôn luôn mới đòi hỏi phải có những giải pháp hoàn toàn mới, nếu không muốn bị thất bại, hay bị tiêu diệt trong những lĩnh vực có sự cạnh tranh cao độ. Khi người ta có tài năng mà xã hội có nhu cầu, người ta phải tìm mọi cách để thể hiện được tài năng đó, ở mức mà xã hội chấp nhận được, ở những thời điểm cần phải thể hiện, và tài năng phải luôn chuẩn bị khi nhu cầu đó đến. Tài năng tự mình tìm được cách thức thể hiện, dù phải đi theo những con đường vòng, phức tạp.

Tài năng làm cho nhiều người khác không tán thành thì cũng không biết phản đối ở chỗ nào. Nếu phản đối thì sẽ nhanh chóng bị chỉ ra là kiến thức thiếu hụt, không thấy được toàn diện. Nếu không phản đối thì thấy tấm tức, vì mình bị phủ định một loạt về tri thức.

Để làm được việc phi thường mà kết tinh trong tác phẩm tài năng thì tài năng phải nối kết được những điều khám phá lạ thường trong chính mình với những điều diễn ra trong cuộc sống, chỉ ra được các biến động, nguồn gốc sâu xa.

Tài năng dù có quan điểm cách tân nhất cũng có những giới hạn trong chính mình khiến cho không thể phát triển lâu dài hơn nữa. Mỗi tài năng có những giới hạn lịch sử của mình.

Những tài năng thường thường dễ được chấp nhận vì có cái gì đó gần gũi với tư duy thông thường, nhưng những tài năng siêu hạng thì xã hội đương thời rất khó chấp nhận vì họ đi trước thời đại, họ lật đổ những thiên kiến của xã hội đương thời. Họ là những nhà cách tân, những nhà cách mạng trong lĩnh vực cần thể hiện duy nhất phạm trù tài năng./.

Total
0
Shares
Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Giáo án Ngữ Văn 10 Kết Nối Tri Thức Word và Powerpoint

[PPT] Giáo án Ngữ Văn 10 Kết Nối Tri Thức Word và Powerpoint

Next Article
GIÚP CON TÌM RA CÁI CON THÍCH

GIÚP CON TÌM RA CÁI CON THÍCH

Related Posts