Edouard Le Roy – nhà nghiên cứu người Pháp từng nói: “Nhà phát minh trước hết là một người giàu trực giác, một nhà thơ”. Và Henri Poincaré trong quá trình sáng tạo toán học của mình đã nhận xét rằng: “Óc logic chỉ là cằn cỗi nếu không được tắm nhuần bằng trực giác”.
Lịch sử các phát minh khoa học đã chứng tỏ sự đúng đắn của các ý kiến trên đây. Các nhà khoa học đang ra sức tìm ra cơ chế của hiện tượng cực kỳ quan trọng mà cũng rất bí ẩn này.
Và một vấn đề đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trước một hiện tượng có vẻ nghịch lý: Học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế không thua kém một ai, có khi còn đứng hàng đầu, thế nhưng về sau các công trình phát minh, sáng tạo của họ rất hiếm, trong khi số ấy ở Nhật chẳng hạn thì cao gấp mấy chục lần.
Vậy cần phát hiện cho được cơ chế của “giác quan thứ sáu” này, ngõ hầu mới đổi mới được cách giáo dục và đào tạo.
Cách nay 2.500 năm, nhà triết học Hi Lạp Démocrite đã quan niệm giới tự nhiên (vật chất) là tập hợp những phần tử cực kỳ nhỏ bé, mắt không trông thấy được và luôn chuyển động trong chân không. Ông đặt tên chúng là atomos (không thể phân chia được). Có thể xem đấy là khởi đầu của chủ nghĩa duy vật. Nhưng phải đợi đến thế kỷ XIX thì khoa học mới chứng minh được quan niệm này.
Các nhà nghiên cứu phương Tây xem đây là trường hợp trực giác khoa học đầu tiên. Ở phương Đông cũng hơn 2.000 năm trước cuốn sách y học Nội kinh đã quan niệm được một mô hình sinh lý con người mà các nhà khoa học hiện đại công nhận là phù hợp với điều khiển học.
Trong quá trình lịch sử, xuất hiện ngày càng nhiều những phát hiện thiên tài đột xuất. Phải công nhận hiển nhiên rằng trực giác đóng vai trò then chốt trong quá trình hình thành các phát minh khoa học. Chính bản thân các thiên tài là những người đầu tiên công nhận điều này. Trong một cuộc điều tra tiến hành với 83 đối tượng đạt giải Nobel về khoa học và y học, thì 72 người đã nêu trực giác là một yếu tố thành công của họ. Người ta nhận thấy rằng các nhà bác học hay có được những phát hiện đột xuất thường là nhà toán học, ngoài ra còn có những nhà vật lý và nhà thiên văn. Vào đầu thế kỷ XX, nhà toán học lớn Henri Poincaré (Pháp) – người sáng lập ra môn Topo đại số là người đầu tiên nêu lý thuyết về sáng tạo toán học.
Từ kinh nghiệm bản thân, Poincaré mô tả tỉ mỉ chu trình sáng tạo. Giai đoạn đầu tiên “chuẩn bị” là giai đoạn tư duy hữu thức. Trong giai đoạn này nhà nghiên cứu suy nghĩ trên các dữ kiện của một vấn đề cần giải, dựa vào các tri thức và năng lực phân tích của mình. Tiếp theo là giai đoạn tư duy vô thức mà Poincaré gọi là thời gian “ấp ủ”. Nhà nghiên cứu “quên đi” các dữ kiện của bài toán nhưng bộ não vẫn tiếp tục nghiền ngẫm, tạo ra những tổ hợp phức tạp. Thế rồi có khi hàng tháng thậm chí hàng năm sau, xuất hiện hiện tượng “loé sáng đột ngột” vào lúc bất ngờ nhất (trong lúc dạo chơi hoặc thông thường nhất vào lúc tỉnh giấc). Trực giác của Poincaré có vẻ là một giác quan ngoài logic, nó “gà” cho ông sự tổ hợp đúng đắn: cách thức tiếp cận và giải bài toán.
Carl Gauss, nhà toán học lỗi lạc người Đức thế kỷ XX cũng thuật lại: “Như trong một ánh chớp bất thần, điều bí ẩn đã được giải mã. Tôi không thể tự mình hiểu được bản chất của sợi dây dẫn nối điều tôi đã biết, với điều khiến tôi thành công”. Cuối cùng là giai đoạn thứ tư, trong đó giải pháp do trực giác đề ra được hình thành rồi sau đó được logic “kiểm tra”.
Cần lưu ý rằng quá trình này trước kia đã được Thomas Edison, nhà sáng chế về điện và máy hát biết đến. Ông khẳng định rằng “thiên tài thể hiện 1% cảm hứng đột xuất và 99% mồ hôi”. Ngay bản thân Descartes, điển hình của tư tưởng duy lý, đã phát hiện đột xuất các nguyên lý về phương pháp của mình trong giấc mơ. Ông ghi hiện tượng mình đã trải qua theo ngôi thứ ba: “Đi nằm, lòng đầy phấn chấn và bận rộn vì hôm ấy đã tìm được các cơ sở của khoa học tuyệt diệu, anh ta nằm mơ ba lần liên tiếp trong một đêm và cho rằng chỉ có thể là do đấng Tối cao”.
Poincaré thì quan niệm rằng các nhà toán học giàu trực giác có năng lực tư duy bằng ngôn ngữ “hình ảnh thị giác”. Nghĩa là thay vì thao tác trên các khái niệm và tổ chức chúng thành ý tưởng như lập một luận văn, thì các nhà giàu trực giác lại nhìn thấy trước các sơ đồ hình ảnh mà một thời gian sau họ mới diễn đạt thành lời. Poincaré không phải là người “loại thị giác”. Ông để cho vô thức chắt lọc từ đám sương mù bộ não những tổ hợp hình thành trong giai đoạn ấp ủ để chỉ chọn lấy những tổ hợp “sáng rỡ” và đẹp nhất dưới dạng chứng minh toán học.
Ngược lại, Albert Einstein là một nhà trực giác thật sự theo cách hiểu của Poincaré. Nhà vật lý thiên tài này không thiên về lời nói (“Tôi ít khi tư duy bằng các từ”). Theo cách giải thích của Arthur Miller nhà viết sử các khoa học thì “óc hình tượng thị giác đóng vai trò trung tâm trong tư duy sáng tạo của ông ta”. Lúc 16 tuổi ông bất thần có một phát hiện khởi đầu cho lý thuyết tương đối của mình: ông tưởng tượng mình đang cưỡi trên một điểm của sóng ánh sáng. Cũng giống như Einstein, TempleGrandin tư duy bằng hình ảnh. Bà người Mỹ cực kỳ có năng khiếu này mắc phải chứng tự ngã (1) nhẹ gọi là bệnh Asperger. Chọn sự nghiệp khoa học, bà phát triển một năng lực phi thường hiểu được “quan điểm các con bò cái” trong khi do khuyết tật, bà lại vô cảm với cảm xúc của người khác. Trở thành chuyên gia nổi tiếng thế giới về tập tính loài bò, bà đã thiết kế các trại chăn nuôi, lò mổ và thử nghiệm bằng cách “nhìn thấy” chúng trước khi vẽ sơ đồ. Bà nói: “Tôi chả cần gì đến một máy logic hoạ hình tinh xảo để làm những cuộc thử trong không gian 3 chiều. Tôi làm tốt hơn và nhanh hơn trong óc mình”. Albert Einstein lúc còn nhỏ cũng có những triệu chứng của bệnh tự ngã, chẳng hạn học nói khó khăn (đến 3 tuổi mới biết nói). Từ đó có thể kết luận rằng “thiên tài là một điều bất thường”.
Nhà di truyền học người Mỹ Barbara Mc Clintok, giải Nobel y học năm 1983 về các công trình nghiên cứu về ngô, đã dựa vào một dạng trực giác đầy nữ tính tuy hơi kỳ lạ. Bà mô tả tha giác (2) của mình đối với các tế bào ngô mà bà đã hiểu được cách hoạt động của nó theo nghĩa sâu kín nhất của thuật ngữ này, như sau: “Khi tôi quan sát một tế bào, tôi thâm nhập vào bên trong và nhìn xung quanh mình”.
Các nhà tâm lý học công nhận rằng phụ nữ có khả năng “giải mã” nhạy bén hơn phái nam, nhờ trực giác phát triển hơn.
Vậy trực giác là một điều kiện của thiên tài, nó bổ sung một cách mĩ mãn cho tư duy logic. Đúng như Poincaré đã nói: “Logic vẫn chỉ là khô cằn nếu không được trực giác làm cho giàu sáng tạo”./.
(Theo Tạp chí C’à m’intéresse – Pháp)
(1) Tự ngã: chứng bệnh tâm lý làm cho con người mắc phải luôn khép mình lại và thờ ơ với xung quanh.
(2) Tha giác: năng lực trực giác nhập vào địa vị kẻ khác và cảm nhận được điều cảm nhận của họ.
[Đăng lúc: Thứ sáu – 07/11/2008 17:38 – Người đăng bài viết: Administrator. Bài này tôi lấy ở trên một diễn đàn, đâu đó vào năm 2017, 2018, Namdung]