Mạng xã hội và nhiều bậc phụ huynh đang có sự hiểu lầm về vai trò của việc học thuộc lòng trong phát triển nhận thức và kỹ năng ngôn ngữ của học sinh, đặc biệt là trẻ em.
Vai trò của học thuộc lòng đối với trẻ em
Đối với trẻ em, khi mà nguyên liệu để viết văn, nguyên liệu để lập luận, suy luận chưa có thì việc học thuộc lòng là rất cần thiết. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là học thuộc lòng cái gì và học thuộc lòng như thế nào.
Mời bạn tham khảo thêm Lợi ích của học thuộc lòng?
Học thuộc lòng một đoạn thơ, bài thơ, bài văn, một đoạn văn, một câu danh ngôn, câu ca dao tục ngữ rất có ích cho phát triển nhận thức và khả năng ngôn ngữ. Vì ngôn ngữ có tính liên tưởng cao. Thuộc một câu một đoạn, trẻ con có thể sáng tạo ra những câu tương tự. Đây cũng là một trong những cách giúp con học giỏi Văn mà bố mẹ có thể áp dụng.
Học thuộc lòng rất cần thiết cho giai đoạn đầu phát triển tư duy ngôn ngữ. Càng về sau càng không cần thiết, nhưng thuộc được nhiều thì vẫn tốt hơn không thuộc.
Học thuộc lòng thì mới có nguyên liệu cho tư duy, suy luận. Trẻ không thể tư duy và lập luận nếu không có dẫn chứng và nguyên liệu.
Nói thêm không chỉ về ngôn ngữ, mà việc học thuộc lòng còn được sử dụng trong các môn học khác như Toán với 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, bảng cửu chương; Lý với các công thức tính vận tốc, tính quãng đường…
Cần phân biệt học thuộc lòng và học vẹt
Trước hết, cần phải phân biệt rõ, học thuộc lòng khác với học vẹt. Nếu học vẹt là sự nhai lại một cách máy móc, không cần tư duy, không cần hiểu, thì học thuộc lòng là cách học nhập tâm cả nội dung và hình thức.
Cách học thuộc lòng nhanh siêu tốc bằng việc học vẹt khiến các em:
- Chỉ nhớ kiến thức tại thời điểm gần;
- Không nắm được bài học;
- Khó nhớ bài lâu mà còn khiến các em không biết vận dụng kiến thức như thế nào;
- Tư duy đình trệ, rập khuôn, máy móc.
Thay vì đọc đi đọc lại như những chú vẹt, các em học sinh nên bỏ thời gian ra suy nghĩ, hiểu và áp dụng kiến thức.
Nhưng, trong một số trường hợp, việc nhớ máy móc cũng có nhiều tác dụng tốt. Để hỗ trợ trí nhớ trong việc học thuộc lòng máy móc, người ta sáng tạo ra các kĩ thuật nhớ bằng cách liên hệ những thông tin cần nhớ với những thông tin khác quen thuộc hơn như ngày sinh, địa danh, tên người thân…
Chẳng hạn, nhiều các em sử dụng những câu lục bát để nhớ thuộc lòng các quy tắc toán học:
“Muốn tính diện tích hình thang/ Đáy lớn đáy nhỏ ta mang cộng vào/ Cộng vào nhân với chiều cao/ Chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra”.
Một ví dụ khác là cách nhớ máy móc dãy hoạt động kim loại trong môn hóa học:
Khi(K) Nào(Na) Cần(Ca) May(Mg) Áo(Al) Giáp(Zn) Sắt(Fe) Nên(Ni) Sang(Si) Phố(Pb) Hỏi(H) Cửa(Cu) Hàng(Hg) Á(Ag) Phi(Pt) Âu(Au).
Có nên học thuộc lòng không?
Câu trả lời là có. Nhưng bố mẹ đừng bắt con cố nhồi nhét kiến thức bằng học thuộc lòng, đặc biệt là học thuộc lòng các bài văn mẫu. Việc nhồi nhét sẽ khiến người học cảm thấy lộn xộn, thiếu hệ thống và chỉ có tác dụng ngắn hạn.
Thay vào đó, hãy hướng dẫn các em hiểu và nhớ kiến thức trọng tâm và diễn đạt lại theo văn phong của mình, thay vì đọc lại như một cái máy mà không hiểu gì.
Hãy hướng dẫn các em học thuộc lòng những gì cần thiết và để việc học thuộc đạt hiệu quả tốt nhất các em cần:
- Rèn luyện tinh thần chủ động, tự học tự nghiên cứu khám phá kiến thức;
- Tóm lược những kiến thức học được, đọc kỹ;
- Phân bổ thời gian học tập các nội dung kiến thức thật hợp lý;
- Lên kế hoạch học tập cụ thể, giãn thời gian học tập cho não bộ đỡ “vất vả”;
- Chia nhỏ bài học thành từng phần nhỏ, đặt mục tiêu cho từng phần.
Kết
Như vậy, học vẹt chứ không phải học thuộc lòng mới là cách học nên tránh. Học thuộc lòng đúng cách không hề hạn chế tính sáng tạo của người học mà trái lại còn là nguyên liệu để sáng tạo nên những thứ mới. Tuy nhiên, ba mẹ hãy hướng dẫn con học thuộc lòng đúng cách để có hiệu quả cao nhất. Ba mẹ có thể tham khảo thêm 10 cách học thuộc lòng nhanh siêu tốc!