Phải làm gì khi ông bà không đồng ý với cách nuôi dạy con của bạn?

Phải làm gì khi ông bà không đồng ý với cách nuôi dạy con của bạn?

Thật tuyệt khi những đứa trẻ gắn bó với ông bà của chúng. Nhưng cũng thật đau đầu khi ông bà không đồng ý với cách nuôi dạy con của bạn. Khi đó, chúng ta phải làm thế nào?

1. Những bất đồng thường gặp giữa cha mẹ và ông bà

Ở một số gia đình, nuôi dạy con không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn có sự tham gia của ông bà. Nhưng không phải lúc nào cha mẹ và ông bà cũng đồng tình với nhau về cách nuôi dưỡng, chăm sóc hay dạy dỗ một đứa trẻ.

Ông bà và cha mẹ thường dễ xảy ra mâu thuẫn khi “đụng” đến những vấn đề như: làm sao để trẻ ngoan ngoãn, có “tôn ti trật tự” (kỷ luật); cho trẻ ăn ngủ như thế nào để tăng cân đều đều (dinh dưỡng/ giấc ngủ); dạy trẻ lễ phép, biết “kính trên nhường dưới” (cách cư xử); hạn chế những nguy cơ mất an toàn, rủi ro bệnh tật (sức khỏe/ an toàn); đối xử khác nhau giữa các đứa cháu, có phần “bên trọng bên khinh” (mối quan hệ bình đẳng); khoe con cháu với mọi người, đưa thông tin hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội (an toàn trên mạng);…

Khi có bất đồng xảy ra, cha mẹ thường mong muốn ông bà thay đổi và nuôi dạy cháu theo cách mà cha mẹ đang áp dụng. Thế nhưng, không phải lúc nào ông bà cũng đồng tình với ý kiến của cha mẹ. Thậm chí, nếu đôi bên không tìm được tiếng nói chung, ông bà từ chối làm theo cách cha mẹ đề xuất, cha mẹ có thể hạn chế thời gian trẻ ở bên cạnh ông bà.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quan điểm nuôi dạy con trẻ là khoảng cách thế hệ. Ông bà thường có cách tiếp cận khác với cha mẹ về các chủ đề như kỷ luật, giáo dục, dinh dưỡng và thói quen.

Ví dụ như, người mẹ thì kiên quyết cho rằng em bé nên ngủ nằm ngửa, nhưng bà ngoại thì cảm thấy em bé nằm sấp sẽ thoải mái hơn. Ông bà luôn lý luận rằng: “Hồi xưa tao cho mấy anh em mày ngủ như vậy có làm sao đâu, mấy đứa tụi bây vẫn khỏe như trâu đấy thôi!”. Ông bà luôn có xu hướng bỏ qua các thông tin sức khỏe mới, hay khuyến nghị từ bác sĩ nhi khoa và bảo vệ cách mình đã nuôi dạy con trong quá khứ.

Một vấn đề khác có thể phát sinh là sự bất đồng về việc cho con bú sữa mẹ. Ông bà cho rằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ và nên duy trì cho con ti mẹ trong ít nhất một năm đầu tiên. Tuy nhiên, công việc bận rộn và tình hình sức khoẻ của mẹ không cho phép điều này. Mẹ có thể cho con ăn bằng bình sữa xen kẽ với ti mẹ. Ông bà đôi khi sẽ khắt khe với điều này vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Cách nuôi dạy của cha mẹ có thể hợp thời thế, mang tính khoa học và cập nhật. Nhưng ông bà cũng muốn tốt cho con cháu khi đưa ra ý kiến, và không phải lời khuyên nào của ông bà cũng đều không hiệu quả. Chỉ là cách thức giao tiếp của đôi bên có thể chưa ổn thỏa nên chưa thể tìm ra tiếng nói chung. Đối đầu trực tiếp với ông bà khi nảy sinh mâu thuẫn không phải là một lựa chọn không ngoan. Hay im lặng để mọi thứ trôi qua cũng không phải là cách xử lý hiệu quả. Điều cha mẹ cần làm là cùng ông bà đặt ra các quy tắc và ranh giới khi giải quyết những vấn đề trong việc nuôi dạy con cháu.

2. Giải quyết những bất đồng “nho nhỏ”

Đối với các vấn đề nhỏ, xảy ra hằng ngày như thời gian cho trẻ xem TV/ điện thoại, trẻ ăn nhiều/ ăn ít hay ngủ đủ/ ngủ chưa đủ,… cách tốt nhất để giải quyết bất đồng là cha mẹ nên chủ động trao đổi với ông bà một cách cởi mở và thẳng thắn. Cha mẹ có thể thử áp dụng một số gợi ý dưới đây để cuộc trò chuyện diễn ra đúng mục đích và hiệu quả hơn:

  • Giải quyết sớm: Cha mẹ hãy giải quyết vấn đề ngay khi “còn trong trứng nước”, đừng chờ đến lúc nó trở thành một vấn đề lớn hơn. Một lưu ý quan trọng là cha mẹ nên cân nhắc thời điểm phù hợp để trao đổi với ông bà khi nảy sinh bất đồng.
  • Giữ bình tĩnh: Không có gì khó hiểu khi cha mẹ cảm thấy bị chỉ trích hoặc bị xúc phạm vì ông bà từ chối làm theo yêu cầu của mình. Nhưng đừng để cảm xúc lấn át quá nhiều và đừng thổi phồng vấn đề lên một cách không cần thiết. Nếu cha mẹ cảm thấy tức giận, hãy thử cho bản thân thời gian để bình tĩnh lại.
  • Đánh giá cao sự trợ giúp của ông bà: Hãy thể hiện sự trân trọng và biết ơn những gì ông bà đã làm: “Con rất biết ơn vì ông bà đã yêu bọn trẻ và muốn giúp con làm những điều tốt nhất cho chúng. Tuy nhiên, con đã cân nhắc cẩn thận trước khi làm, con cảm thấy đây là cách làm phù hợp ở thời điểm hiện tại. Con sẽ lưu ý góp ý của ông bà và sẽ áp dụng khi cần thiết”.
  • Đặt ra ranh giới rõ ràng: Cha mẹ hãy nêu rõ những việc ông bà làm đã vượt qua các quy tắc và giới hạn. Giải thích lý do tại sao ông bà cần tôn trọng quyết định của cha mẹ. Cha mẹ hãy cố gắng giải thích thật đơn giản và dễ hiểu nhất có thể.
  • Suy nghĩ cởi mở: Ông bà có thể là nguồn lực hỗ trợ, cung cấp thông tin và sự hướng dẫn rất đa dạng, bởi vì ông bà đã có rất nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con cái trước đây rồi. Vì vậy, cha mẹ hãy thử tham khảo ý kiến và kết hợp những gợi ý của ông bà nếu cảm thấy nó phù hợp với quan điểm và phương pháp nuôi dạy hiện tại của mình.

3. Giải quyết các mâu thuẫn lớn hơn

Trong những trường hợp “cực đoan” hơn, cha mẹ có thể cần phải hạn chế cho ông bà tiếp xúc với con cháu. Nếu ông bà vi phạm nghiêm trọng các quy tắc khi cha mẹ không có mặt, bước đầu tiên cha mẹ có thể làm là không cho phép ông bà ở một mình với bọn trẻ. Nếu ông bà tiếp tục chia sẻ ý kiến của mình hoặc khăng khăng phá vỡ các quy tắc, thì cha mẹ cần phải hạn chế số lần tiếp xúc với cháu của ông bà.

Có một mối liên kết đặc biệt không thể thay thế được giữa ông bà và con cháu. Mặc dù cha mẹ cần hỗ trợ ông bà phát triển mối quan hệ với các cháu, nhưng việc thiết lập các quy tắc và ranh giới lành mạnh cũng rất quan trọng. Hãy nhớ rằng bạn chính là cha mẹ của đứa trẻ, chỉ có cha mẹ mới biết điều gì là tốt nhất cho con mình.

Ông bà chỉ đơn thuần là muốn giúp đỡ cha mẹ, và điều này vốn dĩ không có vấn đề gì cả! Những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng với một tâm hồn cởi mở là tất cả những gì cha mẹ cần để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo của nó. Lúc đề cập đến các vấn đề quan trọng hơn cha mẹ cần phải giữ vững lập trường. Khi thời gian đã thay đổi và các khuyến nghị về nuôi dạy con được cập nhật, ông bà nên tôn trọng và áp dụng những gì phương pháp tiến bộ để hỗ trợ cho con cháu của mình.

Sẽ có những thời điểm cha mẹ nên nhẹ nhàng bày tỏ sự khác biệt về quan điểm nuôi dạy con cái. Sau khi đã trao đổi, hãy để ông bà lùi lại một chút, tự suy ngẫm và tìm hiểu vấn đề.

Trẻ em có thể bị ảnh hưởng nếu thường xuyên bắt gặp sự căng thẳng giữa cha mẹ và ông bà. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng nếu biết được có sự bất hòa nào đó giữa cha mẹ với ông bà, và trẻ sẽ không chắc chắn về việc mình nên đứng về bên nào.

Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng hãy nhớ rằng chính cha mẹ mới là người chịu trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái, và sau tất cả, sự phát triển lành mạnh của con trẻ mới là điều quan trọng nhất.

—————–

Nguyễn Minh Thành
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học (Bỉ)
Thạc sĩ Khoa học (MS) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục (Trung Quốc)
Chuyên gia Tâm lý học Gia đình và Trẻ em

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
10 LỜI THỀ CỦA GIÁO VIÊN

10 LỜI THỀ CỦA GIÁO VIÊN

Next Article
Cuộc đua điểm số: Vấn đề nan giải!

Cuộc đua điểm số: Vấn đề nan giải!

Related Posts