Cuộc đua điểm số: Vấn đề nan giải!

Cuộc đua điểm số: Vấn đề nan giải!

Báo chí và mạng xã hội bàn luận nhiều về những cuốn “Học bạ siêu nhân” của gần 1.000 học sinh dự xét tuyển vòng 1 vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Hiện tượng này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà trường và đặc biệt là với các bậc làm cha làm mẹ. Phải chăng chúng ta đang lao vào cuộc đua điểm số đẹp không có hồi kết mà hậu quả nặng nề thì chính các bậc phụ huynh và đặc biệt là con trẻ phải gánh chịu?

Cuộc đua điểm số: Không chấp nhận thất bại

Cho dù cải cách mãi, thì học phổ thông ở VN rốt cuộc vẫn là cuộc đua về điểm số. Lúc đầu, điểm số là công cụ của hệ thống, được sử dụng một cách hợp lý để đánh giá phân loại học sinh. Nhưng dần dần, do nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người trong cuộc – phụ huynh, giáo viên, nhà trường, chính quyền, v.v. – nên nó lại trở thành ông chủ, biến hệ thống thành công cụ cho nó.

Và cả xã hội cuốn theo cuộc lạm phát điểm số. Tên lớp không còn là 10A, 10B, v.v. nữa mà đều A tuốt: 10A1, 10A2,… Tỷ lệ học sinh giỏi và xuất sắc tăng chóng mặt. Điểm 10/10 trở thành thứ mà không còn ai dám khoe. Thủ khoa gần đạt tuyệt đối vẫn trượt đại học. Vô số các cuộc thi quốc gia, các giải quốc tế xuất hiện để giúp các bố mẹ tìm được một chỗ không quá đông đúc cho con mình đua. Quả thật, nếu ngày trước trẻ con có thể phấn đấu từ 8 lên 9 lên 10, thì nay chỉ có thể phấn đấu từ 9 điểm 10 thành 10 điểm 10 và hơn thế nữa. Lạ là chưa thấy cuộc thi nào lấy slogan “hơn cả một điểm 10”.

Chỉ khổ bọn trẻ bị cuốn vào guồng cối xay đó, không còn thời gian ăn ngủ, không kịp thở. Việc học, lẽ ra là một nhu cầu nội tại, lại trở thành cực hình mà nhiều bạn nhỏ mong mỏi sớm đến ngày thoát. Và quả thật, đến khi đi làm, không còn sức ép về điểm số nữa, thì các bạn cũng không học gì nữa.

Nếu có một khảo sát xã hội học về phân bổ thời gian trong tuần của học sinh, chắc ta sẽ giật mình. Điều có thể cảm giác là ngày càng có nhiều các bạn nhỏ gặp các vấn đề tâm lý, mất động lực, cảm thấy cô độc, không được lắng nghe. Trong tình hình như vậy, việc đầu tiên các bố mẹ nên làm là chủ động tham gia nhiều hơn vào việc dạy con, không phó mặc cho xã hội hay nền giáo dục, không “trăm sự nhờ thầy”. Nếu đã nhìn thấy việc chạy cùng đám đông không đem lại kết quả mong muốn, thì việc cố gắng chạy nhanh hơn trong đám đông đó cũng không ích gì mà chỉ mệt mỏi hơn.

Khi trẻ đến trường là lúc bắt đầu một cuộc đua bào mòn sức lực của con trẻ, và của cả cha mẹ. Tất cả chỉ hướng tới thắng lợi và thành công, không chấp nhận thất bại. Khi các con còn nhỏ, bố mẹ đều nhìn cảnh trò đi học thêm mà thấy hãi hùng. Rồi không ít người cũng thề rằng, mình sẽ không bao giờ làm cho con khổ như vậy.

Nhưng chỉ cần ngấp nghé vào lớp 1, rồi sau khi con học tiểu học, lập tức các học thuyết tươi sáng tự dưng biến mất rất nhanh. Cuốn vào guồng quay bệnh thành tích đã ăn sâu vào tiềm thức, họ dường như quên tất cả lí trí và quyết tâm sắt đá trước đó. Bố mẹ nào cũng lo lắng con không bằng bạn bè, bị tụt hậu, không phát huy được khả năng nên đã để con vào cuộc đua và mình cũng đua theo. Thôi thì đủ kiểu: đua trường quốc tế, đua trường điểm, đua trường công, đua ngoại ngữ, đua kỹ năng… Mà theo đó các giải pháp chủ yếu là chạy theo các lớp học thêm, đón thầy kèm tại nhà, học kỹ năng mềm, học online, học ngoại ngữ với thầy nước ngoài và cuối cùng là đua nhau đi du học.

Trong cuộc đua này, bố mẹ tìm trăm phương ngàn kế để kiếm tiền trang trải những khoản học phí khổng lồ đã đành, lại còn chắt chiu từng mẩu thời gian hiếm hoi để đưa đón con tại các trung tâm dạy thêm, tiếp rước thầy học, tạo dựng quan hệ để tìm được thầy cô tốt nhất, chỗ học tốt nhất, trường học “xịn” nhất cho con.

Và trẻ con hầu hết không được phép thất bại. Con mà mang điểm 9 về nhà là nhiều bố mẹ cảm thấy xấu hổ rồi. Con mà thi trượt trường công là bi kịch rồi. Con mà không lọt vào trường chuyên lớp chọn là mệt rồi. Con mà không thi đậu là không được rồi. Chỉ được thắng lợi. Thắng lợi là tuyệt đối, là chính xác và là điều cơ bản khiến con có thể tiến lên.

Vì vậy, chỉ thấy bố mẹ biểu dương các gương thành công cho con. Phần chìm của tảng băng thành công đó là thất bại, là cố gắng nỗ lực, đổ mồ hôi sôi nước mắt thì không thấy bố mẹ nói đến. Hoặc giả các bố mẹ cũng không nắm hết. Ra đường thì toàn thấy các khóa học dạy thành công. Sách vở cũng toàn gương thành công. Báo chí thì còn tung hô cho các gương thành công “dữ dội” hơn nữa.

Những con điểm tuyệt đối… dễ dàng

Để tránh thất bại, một số thầy cô cũng cho điểm tuyệt đối dễ dàng. Vì thầy cô cũng cần thắng lợi cho trường, cho tiêu chuẩn thi đua, cho nâng bậc, lên lương. Trường phải toàn học sinh giỏi thì phụ huynh mới hăng đua nhau đưa con tới. Và muốn giỏi thì tất cả phải đi học thêm. Tất cả dẫn đến một nghịch lí dở khóc dở cười là ngành Giáo dục chủ trương loại bỏ dạy thêm, học thêm để chống bệnh thành tích, để giảm áp lực cho học sinh, để các em cảm thấy hạnh phúc thì bố mẹ lại lao đi tìm kiếm lớp học thêm, kiến nghị để con được đi học thêm. Và các trung tâm dạy thêm lại mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu đó.

Cuộc đua điểm số: Vấn đề nan giải!

Hình như chúng ta đang nằm mơ trong một vương quốc mà trẻ em không biết tới thất bại. Nhưng khi giấc mộng vàng này vừa tan vỡ thì con em chúng ta sẽ thế nào khi đón nhận thất bại? Các bậc cha mẹ quen với thành công rực rỡ của con đôi khi còn làm chúng “đau” hơn vì những lời chỉ trích, so sánh với các bạn thành công.

Chúng ta hãy là những bậc cha mẹ thông thái, đừng biến kì vọng về sự thành công thành gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé, yếu ớt của các con.

Khi con thất bại, thay vì chỉ trích, hãy giúp các con hiểu thất bại là một phần của thành công, giúp chúng từng bước đứng dậy và lần mò tìm con đường tốt hơn để trải nghiệm cuộc sống đúng nghĩa với những dư vị vốn có của nó. 

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Phải làm gì khi ông bà không đồng ý với cách nuôi dạy con của bạn?

Phải làm gì khi ông bà không đồng ý với cách nuôi dạy con của bạn?

Next Article
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên

Related Posts