Bài viết được chúng tôi đăng lại từ tạp chí Dạy và Học số 40 năm 2021. Bài gốc 5 Effective Studying Techniques That Are Backed by Research của Edward Kang tại đây, Minh Trang dịch.
Nhiều người lầm tưởng vùi đầu hàng giờ học bài chính là phương thức hiệu quả nhất để trở thành hình mẫu học sinh “toàn A” lý tưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh đạt thành tích cao thực tế dành ít thời gian học hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Chúng chỉ học tập hiệu quả hơn mà thôi.
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh áp dụng một trong các phương pháp dưới đây để tăng hiệu quả học tập, tránh sa vào những thói quen thiếu hiệu quả.
Học ít hơn nhưng với cường độ cao hơn
Trong thời đại phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số gây xao nhãng, nhiều sinh viên — và cả người lớn — làm rất nhiều việc cùng lúc (làm việc đa nhiệm multitasking). Nhưng sự thật là, chẳng có cái gọi là đa nhiệm hiệu quả, bởi quá nhiều thời gian bị tiêu tốn lãng phí vào việc thay đổi tác vụ khi bộ não liên tục bị xoay vòng – nó buộc phải bắt đầu mọi thứ ở “vạch xuất phát” để một lần nữa đi vào trạng thái tập trung.
Suy nghĩ một chút về công thức “mức độ hoàn thành công việc = mức độ tập trung x thời gian
tiêu tốn.” Một học sinh vừa học Sinh học, vừa kiểm tra tin nhắn, vừa lướt Instagram chắc chắc
không thể tập trung cao độ vào việc học – chỉ ở mức 3. Vậy nên, dẫu có ngồi “học” 3 tiếng đi
chăng nữa, thì lượng công việc cậu hoàn thành cũng chỉ ở mức 9 mà thôi.
Ngược lại, đối với một học sinh dồn toàn lực chú ý cho việc học, dẫu chỉ dành vỏn vẹn một tiếng đồng hồ cho Sinh học thì thành quả em đó đạt được vẫn hơn nhiều khi so sánh với người bạn cùng lớp dành tới 3 tiếng kia.
Nhìn chung, những học sinh đạt điểm cao thường tránh làm việc đa nhiệm. Thay vì tiêu tốn nhiều thời gian làm một việc với độ tập trung thấp với quá nhiều yếu tố gây xao nhãng, thời gian học được rút ngắn nhưng lại được tận dụng triệt để với sự tập trung cao độ – không có bất cứ yếu tố gây xao nhãng nào như email hay mạng xã hội xuất hiện cả. Từ đó, việc học cũng trở nên hiệu quả hơn, thành tích, đồng thời, cũng được cải thiện.
Các phương pháp học không hiệu quả
Nhiều học sinh áp dụng những phương pháp học tập tiêu tốn rất nhiều thời gian, trong khi tự đánh lừa bản thân bởi cảm giác đã nắm chắc phần kiến thức đó. Trước bài kiểm tra, các em thuộc nằm lòng tất cả kiến thức đã học nhưng quên “sạch” chỉ một tuần sau đó vì áp dụng cách học không thực sự hữu ích cho quá trình học tập dài hạn. Một số phương pháp học tập thiếu hiệu quả có thể kể đến:
- Học liên tục trong nhiều giờ;
- Học duy nhất một môn trong nhiều giờ và lặp đi lặp lại các cụm từ hay kiến thức cần nhớ (gọi là massed practice – học nhồi);
- Ôn tập tái hồi một chủ đề trước khi chuyển sang chủ đề khác (blocked practice – học theo chủ điểm);
- Đọc đi học lại một bài;
- Đánh dấu hoặc gạch chân những khái niệm quan trọng trong bài rồi ôn tập lại;
- Ôn lại ghi chú.
5 thói quen học tập cường độ cao
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số phương pháp làm tăng tính bền vững của việc học và ghi nhớ khi được đưa vào thói quen học tập hằng ngày của học sinh. Chúng khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực luyện tập, đồng thời, cũng làm giảm tốc độ học tập của chính người học. Thời gian đầu, thành quả thu được dường như còn nhỏ hơn khi áp dụng các phương pháp học tập kém hiệu quả bên trên. Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, hiệu quả lâu dài vẫn luôn là đích đến cuối cùng của những phương pháp này.
Cuốn sách Make It Stick (Bí quyết học đâu nhớ đó) đã chỉ ra một số phương pháp học tập hiệu quả được các nhà khoa học chứng minh.
1. Kiểm tra trước khi học
Thử trả lời các câu hỏi trước khi biết nội dung bài học, không kể tính đúng sai của câu trả lời, giúp học sinh nâng cao khả năng học tập trong tương lai. So với việc chỉ đơn thuần dành thật nhiều thời gian ôn bài, nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp này cải thiện đáng kể kết quả kiểm tra của các em.
2. Học ngắt quãng
Chia nhỏ các phiên học (đây gọi là kỹ thuật lặp lại ngắt quãng) – việc tập trung học một nội dung trong một khoảng thời gian ngắn vào các ngày khác nhau cải thiện đáng kể khả năng ghi nhớ và “triệu hồi” kiến thức so với học nhồi (massed practice).
Mời bạn tham khảo thêm Kỹ thuật Feynman là gì?
Cuốn sách How We Learn (tạm dịch: Học thế nào) lý giải về phương pháp này, bạn có thể gặp đôi chút khó khăn ban đầu khi quên đi một lượng khá kiến thức đã ôn tập – việc gom nhặt lại mọi thứ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.
Tạo flashcard (thẻ học) là tác vụ hiệu quả có thể dùng chung cho cả học ngắt quãng và tự vấn đáp (self-quizzing). Học sinh nên tạo nhiều bộ thẻ khác nhau khi quyết định lựa chọn học bằng thẻ học. Những thẻ nào trả lời được ngay tức nên được gom lại thành 1 chồng để 3 ngày sau ôn lại; thẻ nào trúc trắc một chút để dành 2 ngày sau xem lại; còn đối với chồng thẻ trả lời sai, ngày hôm sau nên ôn lại luôn.
3. Tự vấn đáp (self-quizzing)
Ngày càng có nhiều người chỉ trích các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên, nó cũng là một hình thức chủ động khơi gợi lại kiến thức hiệu quả. Do đó, giáo viên cần khuyến khích học sinh tự tạo những bộ câu hỏi riêng cho từng mảng nội dung khác nhau, cùng lúc, suy nghĩ về những câu hỏi có thể được hỏi hoặc có thể xuất hiện trong bài kiểm tra. Các em nên kết hợp trả lời tất cả câu hỏi đã chuẩn bị, kể cả những câu đã thuộc nằm lòng đáp án trong các phiên ôn tập.
4. Học đan xen
Học sinh thường gom hoặc dồn (blocked practice) một tập hợp nhiều vấn đề để ôn tập – chẳng hạn như một chặp các bài toán nhân – cho đến khi thành thạo. Có một phương pháp học tập hiệu quả hơn, đó là giải quyết một tập hợp các vấn đề liên hệ với nhau nhưng không cùng loại – ví như, một chặp các bài toán bao gồm cả cộng, trừ, nhân, chia.
Cách này khiến não chúng ta linh hoạt và nhanh nhạy hơn, bởi ta không thể giải quyết tất cả vấn đề chỉ bằng cách áp dụng duy nhất một phương pháp. Với phương thức này, hiệu quả công việc được cải thiện đáng kể so với khi giải quyết lần lượt từng tổ hợp các vấn đề cùng loại.
5. Diễn giải lại và tự đánh giá
Nhiều người trong chúng ta chỉ cần đọc vài đoạn trong bài trước khi nhận ra rằng ta chẳng ghi nhớ được bất kỳ khái niệm hay ý chính nào trong những đoạn văn vừa rồi. Để giúp học sinh vượt qua “thách thức” này, hãy để các em áp dụng các chiến lược học tập có mục đích.
Một trong số đó là liên hệ bài học với những kiến thức sẵn có, tưởng tượng rằng mình đang phải giảng lại nội dung đã học cho một em bé 5 tuổi, sau đó tự đánh giá và đặt câu hỏi liên quan đến nội dung vừa giảng giải. Đây chính là một phần của trong Kỹ thuật Feynman.