SOẠN GIÁO ÁN NGỮ VĂN NHƯ THẾ NÀO?

SOẠN GIÁO ÁN NGỮ VĂN NHƯ THẾ NÀO?

Dạy&Học xin được giới thiệu bài viết của thầy Đỗ Ngọc Thống. Tiêu đề bài viết và các đề mục là do chúng tôi biên tập lại.

Giáo án (còn gọi là Kế hoạch bài dạy) là một trong những công cụ / phương tiện dạy học quan trọng của người giáo viên (GV). Giáo án là bằng chứng của việc GV có soạn bài trước khi lên lớp, là cơ sở để cấp trên quản lí và kiểm tra việc chuẩn bị dạy học của GV. Tuy nhiên nếu không có quan niệm đúng, rất dễ rơi vào bệnh hình thức, không có hiệu quả, làm khổ lẫn nhau…

Giáo án là gì?

Giáo án là sự hình dung trước tiến trình lên lớp của người dạy về một nội dung cụ thể. Sự hình dung ấy dựa trên cơ sở đối tượng HS, nội dung và yêu cầu của bài học, phương tiện, thiết bị, không gian và sĩ số lớp học cụ thể. Vì thế không có giáo án chung cho tất cả mọi người. Bản chất của việc soạn giáo án là sự suy ngẫm, hình dung trong đầu của người GV về bài mình sẽ dạy. Không có sự trăn trở, suy ngẫm này thì chưa thể có giáo án.

Nghĩa là giáo án không phải đơn thuần là chép lại một số trang giấy từ một tài liệu tham khảo nào đó (như giáo án trên mạng, giáo án của đồng nghiệp…). Giáo án chép lại nhiều khi rất dài, rất đầy đủ các mục… nhưng không có tác dụng bao nhiêu cho việc dạy học trên lớp, thậm chí phản tác dụng.

Giáo án phải là kết quả nghĩ suy của chính bản thân người dạy như đã nêu. Khi đó chép ra hay không chép ra trên giấy cũng không ảnh hưởng mấy đến kết quả bài dạy. Tuy nhiên, thường nghĩ xong rồi chép ra giấy thì sẽ nhớ lâu hơn. Người GV giỏi, có kinh nghiệm đôi khi không cần có giáo án chép ra giấy mà chỉ chuẩn bị giáo án trong đầu là đủ. Vì thế cần dựa vào kết quả dạy học trên lớp để đánh giá chất lượng dạy chứ không đơn giản dựa vào việc có giáo án soạn ra giấy đầy đủ hay không.

Giáo án Ngữ Văn phát triển năng lực có gì mới?

Giáo án dạy học ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực khác giáo án dạy học chạy theo nội dung (giảng văn).

Giáo án giảng văn là nêu các nội dung chính cần giảng cho HS nghe về tác phẩm A, vấn đề B… Giáo án theo yêu cầu phát triển năng lực là hệ thống các hoạt động, phương pháp và kĩ thuật dạy học nhằm giúp HS tự tìm ra kiến thức. Vì thế nó là giáo án phương pháp, giáo án hướng dẫn cho HS cách học: cách đọc, cách viết, cách nói- nghe…

Giáo án nội dung trả lời câu hỏi: Dạy cái gì? Nói cho HS nghe cái gì?… Giáo án phương pháp tập trung trả lời câu hỏi: Hướng dẫn HS tìm hiểu vấn đề bằng cách nào? HS cần thông qua các hoạt động nào để hiểu và làm ra được sản phẩm?

Giáo án nội dung vì vậy chỉ là bản liệt kê các nội dung dạy học cần truyền thụ, còn giáo án phương pháp là bản thiết kế các bước, các hoạt động theo trình tự: giao nhiệm vụ; tổ chức cho HS làm, thực hành; tổ chức cho HS trao đổi, thảo luận và trên cơ sở đó hướng dẫn các em sơ kết, tổng kết lại vấn đề.

Soạn giáo án Ngữ văn như thế nào?

SOẠN GIÁO ÁN NGỮ VĂN NHƯ THẾ NÀO?

Giáo án là sản phẩm của mỗi cá nhân GV với đối tượng và bối cảnh cụ thể, vì thế không nên bắt buộc phải giống nhau về cả nội dung, hình thức và độ dài… Tuy nhiên để thống nhất trong dạy học, để tất cả HS đều có một mặt bằng chung tối thiểu về những kiến thức và kĩ năng của một vấn đề… thì cần bắt buộc có một số nội dung cứng trong giáo án gắn với từng loại bài học của mỗi môn học. Với môn Ngữ văn, giáo án cho 1 bài học lớn (10-12 tiết), trong đó có các phần nhỏ (đọc hiểu, tiếng Việt, viết, nói nghe), theo tôi cần có các mục lớn sau đây:

I. Tên bài dạy: ghi tên bài học lớn trong SGK.

II. Mục tiêu bài dạy: ghi đúng như nội dung yêu cầu cần đạt mỗi bài học lớn trong sgk Ngữ văn; không cần thêm nội dung gì, vì yêu cầu đó đã đủ, phù hợp đối tượng.

III. Dạy đọc: ghi tên văn bản đọc 1, ví dụ: Tôi đi học (Thanh Tịnh)

  1. Mục tiêu: ghi mục tiêu cụ thể sẽ hướng dẫn HS đọc đọc hiểu VB “Tôi đi học”. Tập trung vào yêu cầu đọc, cân nhắc số lượng và mức độ mục tiêu cụ thể, tránh tình trạng chỉ nêu cho đẹp và sau đó ở tiến trình lên lớp không thấy cách thực hiện mục tiêu đã nêu.
  2. Thiết bị: nêu thiết bị cụ thể sẽ dùng trong giờ dạy đọc hiểu VB “Tôi đi học”.
  3. Tiến trình lên lớp, gồm các bước, trong mỗi bước có 1 hoặc nhiều hoạt động, mỗi HĐ có các việc.
    • Bước 1: Khởi động, nêu cách mở đầu bài học (có nhiều cách mở đầu khác nhau, GV ghi cách mình sẽ thực hiện ở bài này)
    • Bước 2: Tìm hiểu chung, nêu các HĐ đọc diễn cảm, tìm hiểu chú thích, bối cảnh ra đời, tác giả… Chỉ những nội dung giúp hiểu VB thì mới yêu cầu HS tìm hiểu.
    • Bước 3: Hướng dẫn đọc hiểu VB, nêu các HĐ sẽ tổ chức cho HS lần lượt khám phá nội dung và hình thức theo các câu hỏi ghi cuối mỗi VB trong sgk. Các câu hỏi này GV có thể chuyển thành các phiếu học tập, các trò chơi…Nêu rõ cách thức tổ chức: giao nhiệm vụ (làm việc theo cá nhân, cặp đôi hoặc nhóm), tổ chức cho HS làm việc, trao đổi, thảo luận và sơ kết vấn đề gắn với mỗi nhiệm vụ. Luyện tập và vận dụng.
    • Bước 4: Tổng kết bài học bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hướng đến 2 yêu cầu: a) nêu khái quát giá trị nội dung và hình thức của VB đã đọc, b) rút ra cách đọc, phương pháp đọc hiểu kiểu, loại VB ấy.

Hoạt động “luyện tập, vận dụng” nên là 1 trong các HĐ ở bước 3, vì mục đích cũng là để hiểu VB. Đã tổng kết bài là xong, là kết thúc bài học. Giáo án cho các phần khác (tiếng Việt, viết, nói và nghe) cũng có cấu trúc tương tự, tuy nhiên cần vận dụng linh hoạt với mỗi ND dạy học khác nhau.

Làm việc gì cũng thế thôi, có chuẩn bị thì kết quả sẽ tốt hơn. Nhưng chuẩn bị cần hiểu đúng thực chất, không nên làm hình thức. Chuẩn bị giáo án cần coi là công việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, tự giác… Song để tự giác nhiều khi phải bắt buộc, như ông Mác đã nói: “Mọi sự tự giác đều bắt đầu bằng việc cưỡng bức.”. Các cấp quản lí giáo dục quy định dạy học cần có giáo án là vì thế.

HN 19-7-2023

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Một số vấn đề về kiểu bài phân tích tác phẩm văn học và nghị luận xã hội (Ngữ văn 8)

Một số vấn đề về kiểu bài phân tích tác phẩm văn học và nghị luận xã hội (Ngữ văn 8)

Next Article

Đề cương Tiếng Anh 10 HK1 Global Success

Related Posts