120 đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9

120 đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9

Dạy&Học xin gửi tới thầy cô bộ 120 đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9 file word có đáp án.

Giới thiệu một số đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9

Thời gian là vàng

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
       Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
       Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
       Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
       Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
       Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.

(TheoPhương Liên, SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 36 – 37)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào?

Câu 3. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên và nêu hiệu quả của việc sử dụng biện pháp tu từ ấy.

Câu 4. Em có đồng ý với ý kiến: “Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp” không? Vì sao?

Câu 5. Từ đoạn trích trên, em hãy viết 1 đoạn văn trả lời câu hỏi “Làm thế nào để không lãng phí thời gian”

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
2* Theo tác giả, thời gian có những giá trị: – Thời gian là vàng – Thời gian là sự sống – Thời gian là thắng lợi – Thời gian là tiền – Thời gian là tri thức  
3 * Biện phép tu từ: Điệp cấu trúc “Thời gian là…”, điệp từ “thời gian”, liệt kê, tương phản “Nhưng….mà”, “nếu…thì”(Học sinh chọn 1 biện pháp trong số các biện pháp ấy) * Nêu tác dụng: Nhấn mạnh giá trị quý báu của thời gian đối với con người. từ đó nhắc nhở con người không nên lãng phí thời gian của chính mình cũng như của người khác
4-Đồng tình với ý kiến trên -Vì: + Thời gian thuộc về giá trị vô hình: Đem đến cho con người chúng ta sức khỏe, tiền bạc lẫn trí tuệ. + Thời gian trôi qua không thể quay lại được vì thế khi đánh mất, bỏ lỡ chúng ta sẽ phải hối tiếc.
5*Mở đoạn:  Giới thiệu câu nói từ đó giới thiệu vấn đề nghị luận (Làm thế nào để không lãng phí thời gian? * Thân đoạn:  Trình bày cụ thể những việc cần làm để không lãng phí thời gian. – Sử dụng thời gian một cách hợp lý. Mỗi người chúng ta dù là bất cứ ai, người bình thường hay một vĩ nhân cũng đều có 24 tiếng cho 1 ngày.Bởi thế, chúng ta cần phân bố thời gian cho từng công việc cụ thể, lập thời gian biểu và thực hiện nó theo đúng kế hoạch đã đặt ra. – Để không lãng phí thời gian chúng ta hãy làm nhiều việc có ích. Hãy giúp đỡ mọi, người yêu thương gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội; hãy không ngừng học tập trau dồi vốn hiểu biết của mình. – Đừng đắm chìm vào thế giới ảo và các thiết bị thông minh, đừng ngủ nướng bởi như thế bạn đang khiến thời gian của mình trôi qua trong vô ích. – Ghi lại lượng thời gian mà bạn đã lãng phí. Mỗi lần nhận ra là mình đã để thời gian trôi qua một cách lãng phí bạn hãy ghi nó lại sau đó cộng vào và tính toán xem trung bình một ngày, một tuần, một tháng, một năm bạn sẽ để lãng phí bao nhiêu thời gian. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng hối tiếc cho mà xem vì có khi lượng thời gian đó đủ để bạn thực hiện một kế hoạch lớn lao nào đó của cuộc đời rồi. – Dẫn chứng: Trong những kì thi quan trọng, những thí sinh biết phân bố thời gian, biết sử dụng thời gian hợp lí cho từng bài chắc chắn thí sinh đó sẽ đạt kết quả cao hơn những bạn không biết phân bố thời gian cho từng câu hỏi. * Kết đoạn:  Liên hệ bản thân: Khi còn là học sinh, chúng ta phải biết sử dụng thời gian cho thật hợp lí, ngoài thời gian cho việc học kiến thức, chúng ta hãy dành thời gian để giúp đỡ gia đình, để tập luyện thể dục thể thao, để học thêm kĩ năng sống bởi tất cả những điều đó làm cho thời gian của bạn trôi qua có ý nghĩa hơn.

Tre Việt Nam

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

(Trích Tre Việt Nam trong tập Cát trắng, Nguyễn Duy, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973).

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên

Câu 2. Nêu 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Câu 3.  Hình ảnh cây tre trong đoạn trích trên đã gợi lên những phẩm chất nào của con người Việt Nam?

Câu 4. Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có 1 bài thơ có sự xuất hiện của hình ảnh cây tre Việt Nam. Em hãy cho biết đó là bài thơ nào? Của tác giả nào? Chép lại câu thơ có hình ảnh đó?

Câu 5. Từ hình ảnh cây tre trong đoạn thơ trên, em hãy viết 1 đoạn văn bàn về ý nghĩa của sự chăm chỉ trong cuộc sống

Mời thầy cô tham gia nhóm tải tài liệu, giáo án, đề thi miễn phí

CâuGợi ý
1Đoạn thơ được viết theo thể thơ: Lục bát Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
2Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ – Nhân hóa: Hình ảnh cây tre được nhân hóa có những hoạt động như con người : vươn mình, cây kham khổ, hát ru lá cành – Ẩn dụ: tác giả đã mượn cây tre để ngụ ý nói vể con người Việt Nam bất khuất, kiên cường , lạc quan dù có trải qua bao gian khổ  
3Gợi ý một số phẩm chất sau : -Cần cù, chịu thương chịu khó. -Lạc quan, yêu đời. -Ý chí, nghị lực phi thường. -Đoàn kết, yêu thương…
4-Bài thơ có hinh ảnh “cây tre” là: Viếng lăng Bác  của Viễn Phương
5*Mở đoạn:  Từ đoạn thơ giới thiệu vấn đề( ý nghĩa của sự chăm chỉ * Thân đoạn:  Trình bày cụ thể những ý nghĩa của sự chăm chỉ – Chăm chỉ là một phẩm chất đáng quý của con người. Nó là một trong những thước đo để đánh giá đạo đức, phẩm chất, lối sống của mỗi người. Nó giúp chúng ta hoàn thiên bản thân mình hơn. – Chăm chỉ giúp cho con người đạt được những điều mình mong muốn trong cuộc sống. Chăm chỉ học tập thì kết quả học tập sẽ ngày càng tiến bộ, chăm chỉ trong công việc thì công việc sẽ sớm hoàn thành – Chăm chỉ còn rèn luyện đức tính kiên nhẫn cho mỗi người. Trong xã hội ngày càng xô bồ như hiện nay thì kiên nhẫn là một đức tính cực kì quan trọng – Ông cha ta có câu “cần cù bù thông minh”. Nếu bạn không thông minh thì sự chăm chỉ cũng có thể đưa bạn đến với những điều mà bạn mong muốn. Sự kiên trì bền bỉ cũng đóng vai trò quan trọng không kém so với tài năng. – Người chăm chỉ luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, giúp đỡ chân thành cũng vì thế mà người  chăm chỉdễ có được thành công trong cuộc sống, được mọi người yêu mến ngưỡng mộ. – Dẫn chứng: Một ví dụ điển hình như nhà khoa học Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bóng đèn ngày nay. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công và đem thành quả của mình để góp phần cho sự phát triển của thế giới. * Kết đoạn: Khẳng định: Đức tính cần cù chăm chỉ vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại của con người –  Liên hệ bản thân: Là một học sinh, bản thân tôi cũng cố gắng học tập thật chăm chỉ. Tích cực rèn luyện nâng cao kiến thức, kĩ năng sống và cả thể chất.

Thư gửi em bé có mẹ nhiễm Covid-19

            Em sinh ra trong sự nâng niu, đón chờ của những người thân và nhiều hơn thế nữa. Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây. Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm.Em được chở che trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng. Đó là những bác sĩ không quản ngày đêm hy sinh bản thân mình, hết lòng vì người bệnh. Tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang ngữa những ngày đông tháng giá. Đó là những người tự nguyện ở luôn trong bệnh viện, cả cái Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà. Đó là cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ mới lên ba cho ông bà chăm sóc, và từng đêm, khi em quấy khóc, cô lại bế bồng và hát ru em câu hát “À ơi, con cò bay lả bay la…”

[…]Thế giới có những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nơi đây đã cho chị biết hạnh phúc không phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thoả sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa con người.

(Trích Thư gửi em bé có mẹ nhiễm Covid-19 giành giải nhất Viết thư UPU, VnExpress, 11/5/2021)

Câu 1 . Từ cơn bão trong câu  Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm  được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Câu 2 . Theo tác giả, tiếng khóc chào đời của em mang lại điều gì cho những chiến sĩ áo trắng?

Câu 3 . Xác định và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong phần in đậm

Câu 4 . Em có đồng tình với suy nghĩ “hạnh phúc không phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thoả sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa con người?” Vì sao?

Câu 5. Từ nội dung đoạn tích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) bàn về sức mạnh của tình yêu thương giữa con người trong cuộc chiến chóng đại dịch Covid 19.

CâuGợi ý
1Từ cơn bão trong câu  Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm được sử dụng theo nghĩa chuyển.
2Theo tác giả, tiếng khóc chào đời của em mang lại niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây.  
3Biệt pháp điệp cấu trúc: “Đó là”. Tác dụng: nhấn mạnh hơn về những  khó khăn, vất vả, nguy hiểm mà các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch nơi đây vẫn đang kiên cường đấu tranh , những cống hiến hy sinh thầm lặng của họ
4Đồng tình Lý giải: Hạnh phúc không chỉ là tận hưởng những nhu cầu mang tính chất cá nhân mà hạnh phúc chính là được sống trong tình yêu thương giữa con người với con người, được yêu thương và trao đi yêu thương. Như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa
5*Mở đoạn:  Giới thiệu về đề tài nghị luận: Sức mạnh của tình yêu thương giữa con người trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19.   * Thân đoạn:  Trình bày cụ thể sức mạnh của tình yêu thương giữa con người trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 giúp đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp + Dịch bệnh Covid 19 đã càn quét, gây ảnh hưởng về sức khỏe, kinh tế của nhiều quốc gia trên thề giới. Là một nước nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh. Việt Nam đã có những cách xử lí tuyệt vời, làm thề giới thán phục. Có thể nói, chính nhờ sức mạnhcủa tình yêu thương đã giúp đất nước ta bước đầu chiến thắng trên mặt trận chống : tình cảm gia đình, thầy trò, hàng xóm láng giềng, chung tay góp từ thiện ủng hộ… + Ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát, giữa bối cảnh nhiều quốc gia hoang mang lo lắng. Chính phủ nước ta đã có động thái quyết tâm, thể hiện trách nhiệm bảo vệ, giúp công dân, “ Việt Nam quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid 19. + Các hoạt động thiện nguyện, “ lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. + Sự hi sinh của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid 19. + Học sinh sinh viên các trường đại học phát khẩu trang, nước rửa tay cho người dân. + Phong trào giải cứu dưa hấu, tôm hùm…khắp các tỉnh thành. * Ý nghĩa: +Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy đã mang  lại hạnh phúc cho nhân loạ,tình cảm giữa con người và con người ngày càng bền chặt hơn. + Xây dựng được một xã hội văn minh, giàu tình người. + Phát huy sức mạnh tình yêu thương : việt Nam đã vượt qua tình trạng khó khăn do Covid 19 gây ra. Chúng ta đã cơ bản đã được kiểm soát dịch bệnh. * Kết đoạn: Khẳng định: Lòng yêu thương rất quan trọng nhất là trong đại dịch => cần yêu thương con người nhiều hơn. .

Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

         Kim woo Chung, người sáng lập ra tập đoàn Deawoo từng viết trong quyển sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm rằng: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ”. Dù là thay đổi bản thân mình hay là thay đổi thế giới thì người ta cũng bắt đầu bằng ước mơ.

         Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng. Đôi khi ta phải chấp nhận đi đường vòng, làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ta đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. Nhiều khi ta phải đối mặt với cô đơn, thất vọng. Dù làm gì, dù thế nào đi nữa, thì đừng bỏ cuộc. Hãy luyện tập, mài giũa hàng ngày. Trái ngọt có được sau những chặng đường dài thật sự rất xứng đáng. Hãy tin tưởng.

Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Rosie Nguyễn, NXB Hội nhà văn, 2027, tr 217)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được thực hiện trong đoạn trích.

Câu 2 .  Theo tác giả, để theo đuổi ước mơ chúng ta phải thực hiện những điều gì?

Câu 3 . Em hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: “Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng.”

Câu 4. Tìm lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên

Câu 5: Từ nội dung đoạn trích trong phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn

 ( khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của ước mơ trong cuộc sống.

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt: Nghị luận
2Theo tác giả, để theo đuổi ước mơ chúng ta phải chấp nhận: đi đường vòng. làm việc mình không thích để nuôi dưỡng ước mơ. đứng lên chống lại định kiến xã hội để đi theo con đường của mình. phải đối mặt với cô đơn, thất vọng
3Ý kiến của tác giả: “Con đường theo đuổi ước mơ không bao giờ là con đường an toàn, cũng không phải là con đường dễ dàng.”được hiểu là: – Hành trình theo đuổi ước mơ có nhiều chông gai, thử thách. – Ước mơ không đến với con người không có lí tưởng, thiếu tự tin, lười biếng. – Để thực hiện được ước mơ, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. – Để đạt được ước mơ, chúng ta phải trang bị cho mình những  kiến thức, kĩ năng cần thiết và phải kiên trì theo đuổi ước mơ của mình
4Lời dẫn trực tiếp: “Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Ước mơ là động lực thay đổi thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ”.
5*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề (vai trò của ước mơ) *Thân đoạn: Ước mơ có thể vĩ đại hay nhỏ bé nhưng phàm đã là con người thì ai cũng có ước mơ. Chính ước mơ làm cho cuộc sống của mỗi người thêm tươi đẹp,  thêm ý nghĩa. – Ước mơ là động lực giúp con người phát triển và hoàn thiện mình hơn, giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách để từ đó tìm được thành công trong cuộc sống. Thật không quá khi nói rằng ước mơ chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của sự thành công, là con đường biến ước mơ thành hiện thực – Ước mơ chính là ngọn đuốc soi sáng trong tim mỗi chúng ta nó hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp. – Không có ước mơ bạn sẽ không xác định được mục tiêu sống của mình là gì. Chính vì không xác định được phương hướng sẽ dẫn tới bạn sẽ sống hoài sống phí, và trở thành người tụt hậu bị bạn bè, xã hội bỏ lại phía sau. – Dẫn chứng: Nếu không phải là mong muốn, ước vọng về một nền hòa bình độc lập cho dân tộc, thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong một ngày tháng 6 năm ấy làm sao có thể can đảm, dũng cảm rời bến cảng Nhà Rồng để chính thức bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước để rồi cuối cùng sau bao khó khăn vất vả, Bác đã tìm ra con đường đi cho dân tộc VN *Kết đoạn: – Khẳng định lại về vai trò của ước mơ – Rút ra bài học và liên hệ bản thân: – Mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ, hi vọng. –  Phải không ngừng học tập, rèn ý chí, trau dồi kĩ năng sống để biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực .

Cái giá của tri thức

“Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máyhoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10.000 đôla. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận,Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đôla. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đôla”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi.”

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên

Câu 2. Chỉ ra lời đẫn trực tiếp trong đoạn trích và cho biết dấu hiệu nhận biết đó là lời dẫn trực tiếp

Câu 3. Theo em, vì sao Xten-met- xơ cho rằng “vạch một đường thẳng” có giá 1 đôla nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9999 đôla?

Câu 4. Theo em qua đoạn trích trên, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc là gì?

Câu 5. Từ văn bản trên, em hãy viết một đoạn văn với câu chủ đề : Tri thức là sức mạnh của con người.

Mời thầy cô tham gia nhóm tải tài liệu, giáo án, đề thi miễn phí

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt: Nghị luận
2Lời dẫn trực tiếp: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đôla. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đôla” Dấu hiệu nhận biết:  Dẫn lại nguyên văn lời của  Xten-mét-xơ ; Có dấu hai chấm và dấu ngoặc kép
3Xten-met- xơ cho rằng “vạch một đường thẳng” có giá 1 đôla nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9999 đôla vì:
– Việc “vạch một đường thẳng” giá 1 đôla vì đó là côngviệc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được (hoặc thực hiện dưới sự hỗ trợ của người khác); – Việc “tìm ra chỗ để vạch đúng đường thẳng ấy” có giá 9999 đôla vì đó là côngviệc có độ khó cao, đòi hỏi phải có tri thức sâu sắc; có tính chất phát hiện, vận dụng…
4Qua văn bản, tác giả muốn nói với chúng ta rằng tri thức có sức mạnh rất lớn, nó có thể giúp chúng ta thành công một cách dễ dàng bởi thể chúng ta cần học tập để trau dồi vốn tri thức của mình
5*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tri thức là sức mạnh. *Thân đoạn: – Con người muốn thành công, tạo được thành tựu cho bản thân, xây dựng xã hội tốt đẹp thì chúng ta phải học tập, trau dồi kiến thức. – Tri thức giúp con người vươn tới những điều tưởng chừng như không thể, khám phá ra những chân trời mới, những điều thú vị, kì vĩ của thiên nhiên, của vũ trụ. – Nếu con người sống mà không có tri thức, không có kiến thức, không có kế hoạch, mục tiêu thì sẽ thụt lùi so với xã hội và trở nên thấp kém, kéo theo đó là cuộc sống đi xuống. – Tri thức là cốt lõi để xã hội này phát triển. – Dẫn chứng: Và thực tế đã chứng minh, ngày nay, con người đã có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên trái đất. Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nghĩ đến Issac Newton, Darwin, Lincoln, Shakespeare, Nobel, Einstein, Bill Gates, Hồ Chí Minh,…và biết bao tên tuổi khác. Họ thực sự là những người anh hùng vĩ đại, là người lính tiên phong trong trận chiến đấu loại bỏ cái lạc hậu, bất công, đói nghèo, mãi mãi xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính. *Kết đoạn: – Khẳng định lại về vai trò của tri thức – Rút ra bài học và liên hệ bản thân: +Mỗi người cần tự nhìn nhận vai trò của tri thức và có hướng rèn luyện, tích lũy tri thức, hoàn thiện nhân cách để làm nên giá trị của bản thân.. + Tuy nhiên, tri thức chỉ làm nên giá trị con người khi đi liền với nhân cách, đạo đức

Chàng ngốc chiến thắng người thông minh

Một nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm sau. Ông đưa hai người – một người ngốc nghếch ốm yếu và một người thông minh cường tráng – đến một vùng đất. Sau đó, ông nói hai người cùng đào giếng để tìm nguồn nước.

Chàng ngốc không suy nghĩ gì mà liền cầm cuốc lên và bắt đầu đào. Còn người thông minh dự đoán và lựa chọn phần đất có thể có nước. Hai tiếng sau, cả hai đều đào được hai mét nhưng vẫn chưa thấy nước. Người thông minh nghĩ mình đã chọn sai nên liền tìm một vị trí khác để đào. Chàng ngốc tiếp tục kiên nhẫn đào phần đất của mình. Hai tiếng sau, anh đào được thêm một mét nữa, còn người thông minh đào được hai mét ở chỗ mới.

Một lúc sau, người thông minh lại cảm thấy dường như mình đang đào sai chỗ nên tìm một mảnh đất khác. Hai tiếng nữa lại trôi qua, chàng ngốc đào được thêm nửa mét nữa, còn người thông minh chuyển sang chỗ mới và đào được hai mét. Cả hai đều chưa thấy nước. Người thông minh cho rằng vùng đất này không có nước nên bỏ cuộc. Trong khi đó, chàng ngốc vẫn tiếp tục đào và cuối cùng anh đã tìm thấy nguồn nước.

Kết quả là chàng ngốc đã chiến thắng người thông minh.

(Theo Hạt giống tâm hồn, Tập 13, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 97-98)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Theo văn bản, vì sao người thông minh lại bỏ cuộc?

Câu 3. Tìm, gọi tên và cho biết vai trò của thành phần biệt lập trong câu: Ông đưa hai người – một người ngốc nghếch ốm yếu và một người thông minh cường tráng – đến một vùng đất.

Câu 4. Em có đồng tình với suy nghĩ và hành động của người thông minh trong văn bản không? Vì sao?

Câu 5: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò của tính kiên nhẫn đối với con người.

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt chính: tự sự
2Người thông minh bỏ cuộc vì cho rằng vùng đất này không có nước.
3– Thành phần phụ ngữ: một người ngốc nghếch ốm yếu và một người thông minh cường tráng. – Vai trò: giải thích cho cụm danh từ hai người.
4-Không đồng tình – Vì: Mọi việc đều phải kiên trì mới có thể thành công, nếu bỏ cuộc giữa chừng thì không bao giờ chúng ta đi tới đích, không bao giờ hoàn thành nhiệm vụ được.
5*Mở đoạn: Giới thiệu câu tục ngữ, từ đó giới thiệu vấn đề nghị luận (vai trò của lòng kiên trì, sự nhẫn nại.) *Thân đoạn:  Trình bày cụ thể vai trò của lòng kiên trì sự nhẫn nại. để đánh giá đạo đức, phẩm chất, nhân cách và lối sống của mỗi người .Nó giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình hơn. . Nếu chúng ta không có lòng kiên trì và sự nhẫn nại chắc chắn chúng ta không thể vượt qua được những thử thách, khó khăn ấy để tiến đến thành công. từ đó không dễ dàng bị vấp ngã, làm cho con người trở nên bản lĩnh hơn, không sợ hãi hay lùi bước trước những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc sống. Thật không quá khi nói rằng lòng kiên trì, sự nhẫn nại là một trong những chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của sự thành công là con đường biến ước mơ thành hiện thực và ngược lại, nếu chúng ta chán nản, nhanh bỏ cuộc chúng ta sẽ bị người đời coi thường và ghét bỏ. : Nick Vujicic sinh ra đã không có cả tay lẫn chân. Nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua số phận bằng nghị lực sống, bằng lòng kiên trì và sự nhẫn nại tuyệt với của mình. Nhờ đó anh trở thành người truyền cảm hứng đến cho mọi người trên thế giới bằng những bài diễn văn kể về câu chuyện cuộc đời mình. *Kết đoạn: Khẳng định vai trò của tính kiên trì sự nhẫn nại. Bài học:  

Người hàng xóm và cây nến

Có một người phụ nữ vừa chuyển đến nơi ở mới. Hàng xóm của bà là một người mẹ nghèo sống cùng cậu con trai đang tuổi thiếu nhi. Một buổi tối mất điện, bà chưa kịp thắp nến lên cho sáng thì có tiếng gõ cửa. Bà ra mở cửa, thì ra đó là con của nhà hàng xóm. Cậu bé nói: “Con chào dì, dì cho con hỏi nhà dì có nến không ạ?”. Người phụ nữ thầm nghĩ: “Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả nến cũng không có sao. Tốt nhất là không cho, vì nếu cho, họ sẽ ỷ lại mất”. Nghĩ vậy, bà trả lời: “Dì không có”. Đúng lúc bà đang chuẩn bị đóng cửa thì cậu bé cười rạng rỡ và lấy trong túi áo ra hai cây nến: “Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên con đem sang biếu dì hai cây nến để thắp sáng ạ”. Lúc này, bà vừa thấy xấu hổ, vừa cảm động rơi nước mắt, rồi bà liền ôm chặt cậu bé vào lòng.

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản

Câu 2. Tìm và ghi lại 01 lời dẫn trực tiếp có trong văn bản trên.

Câu 3. Theo em, vì sao người phụ nữ lại vừa thấy xấu hổ, vừa cảm động rơi nước måt?

Câu 4. Bài học nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với em? Vì sao? (Trả lời khoảng 3 đến 5 dòng )

Câu 5: Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 đến 15 dòng) về ý nghĩa của tinh thần chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt chính: tự sự
2Lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích: -“Con chào dì, dì cho con hỏi nhà dì có nến không ạ?”; -“Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả cây nến cũng không có sao. Tốt nhất là không cho, vì nếu cho họ sẽ ỷ nại mất”; -“Dì không có”; -“Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên con đem sang biếu di hai cây nến để thắp sáng. (Học sinh có thể chọn một trong số các lời dẫn trực tiếp trên).
3Người phụ nữ cảm thấy xấu hổ vì sự ích kỉ khi bản thân có suy nghĩ không tích cực đối với người khác. Người phụ nữ cũng đồng thời cảm động vì người mẹ và đứa con của gia đình nghèo bên cạnh lại dùng tình yêu thương, sự bao dung, quan tâm để đáp lại sự ích kỉ của người phụ nữ.
4Cuộc sống vẫn luôn có những điều tốt đẹp, hãy mở rộng trái tim, trao đi yêu thương. Đừng để trái tim chứa đầy sự nghi hoặc hay ích kỷ.
5*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của tinh thần chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. *Thân đoạn:  Trình bày cụ thể vai trò của lòng kiên trì sự nhẫn nại. – Chia sẻ là cùng người khác san sẻ vui buồn, những trạng thái tình cảm, tâm hồn với nhau; cả sự chia sẻ những khó khăn về vật chất, giúp nhau trong hoạn nạn…  => Biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, thì chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn. – Cảm thông và chia sẻ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc VN vì vậy chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống đó. – Trong xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn: Trẻ mồ côi, người nghèo, người kiếm sống lang thang, nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật, nạn nhân của thiên tai, những căn bệnh quái ác, những cảnh ngộ éo le… Sự đồng cảm chia sẻ sẽ giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin trong cuộc sống để họ có thể vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống của mình. –  Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn. – Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. – Dẫn chứng: Sẻ chia khi miền Trung gặp bão lũ; khi đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19… *Kết đoạn: Khẳng định ý nghĩa của sự sẻ chia Bài học: – Nhận thức: Đồng cảm, sẻ chia giúp con người thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách, những nghịch cảnh của cuộc đời. – Hành động: Phải học cách đồng cảm, sẻ chia và phân biệt đồng cảm, sẻ chia với sự thương hại, ban ơn…

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con

Mẹ vẫn luôn ở đây như mọi khi
con vấp ngã, con ốm đau, con khóc quấy
mẹ biết rất nhiều lần con ghét mẹ đến mức không thèm nhìn dù vẫn thấy
trái tim của một đứa con, mẹ biết vẫn luôn là vậy
tìm cách từ chối những ân cần…

Mẹ vẫn luôn ở đây lúc con mỏi gối chồn chân
nhìn ra chung quanh biết cuộc đời xa lạ
con không cần làm gì và cũng không cần phải mặc cả
mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá
đã có gốc rễ lo vun trồng…

Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con, con biết không!

(Trích Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con,… Nguyễn Phong Việt, Sao phải đau đến như vậy, NXB Văn hoá – Văn nghệ, 2017, tr.64,65)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Chỉ ra phép liệt kê được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của đoạn trích.

Câu 3: Em hiểu như thế nào về nội dung của hai dòng thơ sau:

mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá
đã có gốc rễ lo vun trồng…

Câu 4: Trong cuộc sống, có những đứa con đôi khi tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ. Ở vị trí của một người con, theo em điều đó đáng chê trách hay có thể cảm thông? Vì sao?

Câu 5. Từ đoạn thơ trên em hãy viết một đoạn văn bàn về tình cảm và thái độ cần có của con cái đối với cha mẹ.

CâuGợi ý
1Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do
2Phép liệt kê được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của đoạn trích: con vấp ngã, con ốm đau, con khóc quấy.
3mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá
đã có gốc rễ lo vun trồng…
– Hai dòng thơ cho ta nhận ra mẹ luôn chắt chiu những gì tốt đẹp cho con vì con là duy nhất của mẹ, con đón nhận tình yêu và sự bảo bọc của mẹ như một quy luật của tự nhiên – Nhấn mạnh tình yêu thương vô điều kiện của mẹ đối với con.
4– HS  lựa chọn câu trả lời: đáng chê trách hoặc có thể cảm thông, hoặc vừa đáng chê trách vừa có thể cảm thông. – Lý giải hợp lý, thuyết phục: có thể lý giả theo các hướng sau: + Đáng chê trách vì nó thể hiện sự vô tâm, lạnh lùng của những đứa con trước tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ. + Có thể cảm thông vì có lúc những ân cần, yêu thương của cha mẹ mang tính áp đặt, chưa có sự thấu hiểu tới những tâm tư tình cảm của con trẻ… từ đó dẫn đến việc con né tránh hoặc từ chối sự quan tâm của cha mẹ + Vừa đáng chê trách vừa có thể cảm thông lý giải bằng cách kết hợp hai quan điểm trên
5*Mở đoạn: Giới thiệu câu nói để dẫn dắt vào vấn đề nghị luận (tình cảm và thái độ cần có với cha mẹ) *Thân đoạn: Nêu những tình cảm và thái độ cần có đối với cha mẹ – Chúng ta cần biết ơn, yêu thương và trân trọng cha mẹ bởi: + Cha mẹ là người đã sinh ra ta để cho ta được có mặt trên cuộc đời này, không ai khác chính cha mẹ đã đem đến cho ta sự sống. + Cha mẹ đã không quản bao vất vả, nắng mưa đã nuôi dưỡng, chăm sóc con thành người. Dòng sữa ngọt ngào, lời ru của mẹ, tình cảm ấm áp của cha đã nuôi dưỡng ta cả về vật chất và tinh thần. Lúc chúng ta ốm đau. Cha mẹ đã  lo lắng, chăm sóc đêm ngày, lúc ta  ngoan ngoãn, lớn khôn, mẹ  cha tự hào, sung sướng. Mỗi bước trưởng thành của chúng ta đều có những tháng này gian nan vất vả của cha mẹ. +  Cha mẹ chính là người thầy, người cô đầu tiên trong cuộc đời ta, dạy bảo ta bài học làm người, uốn nắn cho chúng ta từng lời ăn tiếng nói, chỉ bảo cho ta từng điều hay, lẽ phải. +  Ngay cả trên bước đường đời chúng ta có vấp ngã, thất bại, buồn đau thì không ai khác, mẹ cha  chính là điểm tựa bình yên nhất, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất . + Nếu không yêu thương cha mẹ, đến một ngày nào đó, cha mẹ không còn, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng day dứt và ân hận. – Tình yêu thương cha mẹ phải được cụ thể hóa bằng hành động: Chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ ốm đau, giúp đỡ công việc khi cha mẹ vất vả – Hơn cả là phải sống cho thật tốt bởi đó là cách tốt nhất để báo hiếu với cha mẹ * D/C: Có biết bao câu chuyện cảm động về tình cảm của con cái dành cho cha mẹ. Đó là một Chử Đồng Tử nhường chiếc khố cuối cùng để khâm niệm cho cha, là Thúy Kiều sẵn sàng bán mình để cứu cha. Tất cả đều rất đáng trân trọng. *Kết đoạn: Liên hệ bản thân Là học sinh, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ngay từ bây giờ, hãy chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà cha mẹ thầy cô. Đó là cách thiết thực nhất để thể hiện chữ hiếu, đạo làm con.                                                                                                                                                                                                                                                             

Lặng lẽ để hồi sinh

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

…Cuộc sống vẫn bình yên trong mỗi căn nhà

Con vẫn học qua online trực tuyến

Bố, mẹ giao ban cơ quan qua máy tính

Cả nước đồng lòng đẩy lùi cuộc chiến

Hiện hình trên màn ảnh ti-vi…

Phía ngoài bệnh viện trầm tư

Nhưng bên trong là nhịp chân hối hả

Vì mạng sống của hàng trăm người bệnh

Thầy thuốc đâu quản gian nguy

Vẫn biết lưỡi hái tử thần không ngoại trừ ai hết!

Ơi mỗi con người đất Việt

Đã từng chiến thắng ngoại xâm

Nay thấm thía trong tâm

Tự nguyện cách ly

Vì trường tồn cuộc sống

Lặng lẽ để hồi sinh

Cho những ngày thắng dịch!

(Trích Lặng lẽ để hồi sinh – Nguyễn Hồng Vinh, Hà Nội, 4/4/2021)

Câu 1 : Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 :Chỉ ra những việc làm thể hiện sự đồng lòng của cả nước để đẩy lùi dịch bệnh trong đoạn trích?

Câu 3 : Em hiểu thế nào về dòng thơ “Lặng lẽ để hồi sinh”?

Câu 4 : Thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên là gì? Vì sao em chọn thông điệp đó?

Câu 5

Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của tình đoàn kết trong cuộc sống.

CâuGợi ý
1Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do
2Những hành động thể hiện cả nước đồng lòng chống dịch: Tự nguyện khai báo, cách ly tập trung, tránh tụ tập đông người, hành động hy sinh thầm lặng của các vị bác sĩ, những chiến sĩ, công an nơi tuyến đầu chống dịch….
3“Lặng lẽ để hồi sinh”. Những việc làm âm thầm lặng lẽ, tự nguyện dù nhỏ bé nhưng lại góp phần làm nên chiến thắng đại dịch.
4Em tự lựa chọn thông điệp ý nghĩa nhất em rút ra được qua đoạn trích trên, lý giải hợp lý. Gợi ý: Thông điệp: Chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng chiến đấu chống đại dịch. Giải thích: Đoàn kết tạo nên sức mạnh dân tộc, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngay lúc này, tỉnh thần đoàn kết vô cùng cần thiết để chiến thắng đại dịch.
5*Mở đoạn: Giới thiệu câu nói từ đó giới thiệu vấn đề nghị luận (sức mạnh của tinh thần đoàn kết tong cuộc sống và trong việc phòng chống đại dịch covid ở nước ta hiện nay. *Thân đoạn: – Sức mạnh của đoàn kết trong cuộc sống: + Cuộc sống của con người có muôn vàn những khó khăn thử thách mà đôi lúc một cá nhân riêng lẻ sẽ không thể vượt qua được. Khi ấy tinh thần đoàn kết tập hợp được sức mạnh của nhiều người, tạo nên sức mạnh của tập thể để vượt qua những khó khăn thử thách đó  để hướng đến thành công. + Khi đất nước có chiến tranh, tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc, giúp chúng ta đánh đuổi được kẻ thù xâm lược. Nếu không có tinh thần đoàn kết của nhân dân cả nước thì trong những năm tháng chiến tranh làm sao chúng ta có thể đánh đuổi được hai kẻ thù hung mạnh bậc nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. +  Trong thời bình, đoàn kết đã giúp dân ta vượt qua những khó khăn do thiên tai và dịch bệnh đem lại. Nhờ có tinh thần đoàn kết một lòng mà khi miền Trung bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, nhân dân cả nước đã chung sức chung lòng cùng với đồng bào Miền Trung vượt qua hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn. -Sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong công cuộc phòng chống đại dịch covid 19: Những ngày quakhi đại dịch covid đang hoành hành, chúng ta lại càng thấy rõ được sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết thể hiện qua sự hưởng ứng của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối “chống dịch như chống giặc”; thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp và các cá nhân đã chung tay đóng góp hàng tỉ đồng cho công cuộc phòng chống đại dịch. Và cũng nhờ có tinh thần đoàn kết mà chúng ta lần lượt đã vượt qua đợt dịch bùng phát, và người dân cũng đỡ được phần nào những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch trên đất nước ta. *Kết đoạn: – Khẳng định lại sức mạnh của tinh thần đoàn kết – Bài học:   chúng ta phải ra sức rèn luyện tinh thần đoàn kết nhưng đồng thời cũng rèn luyện bản lĩnh sống, nâng cao tinh thần tự chủ không nên ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể. – Là học sinh để xây dựng một tập thể lớp vững mạnh, chúng ta  nên thắt chặt tình đoàn kết, không chia bè, chia phái, cùng giúp đõ nhau trong học tập, cuộc sống….                                                                                                                                                        

Khơi gợi điều trẻ muốn hướng tới

Thay vì giúp con có một ước mơ thực sự, nhiều ông bố bà mẹ thường đưa trẻ đến những trung tâm bồi dưỡng tài năng để tham gia hết khóa học này đến chương trình khác. Bởi, Phụ huynh cho rằng những chương trình đó rất bổ ích và có giá trị với con.

(…) Ai trong chúng ta cũng có một ước mơ cho riêng mình, trẻ em cũng vậy. Song khác với người lớn, trẻ sẽ có nhiều ước mơ bay bổng do trí tưởng tượng phong phú. Khi đó nhiệm vụ của cha mẹ là nuôi dưỡng ước mơ của con một cách hợp lý giúp chúng định hướng tương lai.

Trẻ em thường xuyên có ước mơ mới mỗi khi ngưỡng mộ ai đó.Khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh, trẻ mong ước lớn lên sẽ làm bác sĩ.Khi xem tivi và chứng kiến những diễn viên xinh đẹp hoặc xem những bộ phim siêu nhân thì ước mơ của trẻ lại khác.Chắc                              hẳn, đây là câu chuyện xảy ra trong nhiều gia đình. Thường, trẻ nhỏ với suy nghĩ ngây thơ, có thể con sẽ thốt ra những câu nói khiến cha mẹ hoang mang. Khi đó không ít phụ huynh áp đặt suy nghĩ và mong muốn của mình lên con. Họ ép con thích những điều cha mẹ muốn. Song đó không phải là niêm yêu thích của trẻ.Theo các chuyên gia, đó là một trong những suy nghĩ sai lầm mà cha mẹ nên bỏ trong quá trình định hình ước mơ cho con trẻ.Theo chuyên gia Trần Quốc Phúc, cha mẹ hãy cho con một tước mơ và đừng bao giờ “tiêu diệt” giấc mơ đó “. Cha mẹ hãy hỏi con thích gì và tin con sẽ làm được điều đó. Cha mẹ hãy dẫn con tới nơi có những người thành công để con tiếp cận, nhìn những căn nhà đẹp, những chiếc xe đẹp. Đồng thời để con chứng kiến cuộc sống của những trẻ em nghèo, chuyên gia cho biết.

(Theo: Vân Huyền, khơi gợi điều trẻ muốn hướng tới, Báo Giáo dục và Thời đại, số 99, Thứ hai, 26/04/2021, tr.13)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 .Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau: Chắc hẳn, đây là câu chuyện xảy ra trong nhiều gia đình.

Câu 3.Nêu nội dung chính của văn bản trên

Câu 4 .Em có đồng tình với việc cha mẹ ép con thích những điều cha mẹ muốn không? Vì sao?

Câu 5. Từ việc đọc hiểu văn bản trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của ước mơ đối với mỗi con người trong cuộc sống.

CâuGợi ý
1Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận /phương thức nghị luận
2– Thành phần biệt lập trong câu văn là: Chắc chắn – Gọi tên thành phần biệt lập: Thành phần tình thái
3Nội dung chính của văn bản: -. Đoạn văn đã nêu lên sai lầm của cha mẹ khi áp đặt ước mơ cho con. – Khuyên cha mẹ nên tôn trọng ước mơ của con, để con được sống đúng là mình.
4– Bày tỏ quan điểm: Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình/đồng tình một phần – Lí giải: + Nếu đồng tình: Cha mẹ là người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống hơn, luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Đứa trẻ có thể chưa đủ tri thức và trải nghiệm để đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Vì thé, sự định hướng của cha mẹ là rất cần thiết. + Nếu không đồng tình: Mỗi con người đều có những ước mơ riêng, điều bố mẹ mong muốn chưa hẳn đã là niềm yêu thích của trẻ. Việc ép con làm theo ước mơ của cha mẹ có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. + Nếu đồng tình một phần: kết hợp hai cách lí giải trên.
5*Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề (vai trò củ ước mơ) *Thân đoạn: Ước mơ có thể vĩ đại hay nhỏ bé nhưng phàm đã là con người thì ai cũng có ước mơ. Chính ước mơ làm cho cuộc sống của mỗi người thêm tươi đẹp,  thêm ý nghĩa. – Ước mơ là động lực giúp con người phát triển và hoàn thiện mình hơn, giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách để từ đó tìm được thành công trong cuộc sống. Thật không quá khi nói rằng ước mơ chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa của sự thành công, là con đường biến ước mơ thành hiện thực – Ước mơ chính là ngọn đuốc soi sáng trong tim mỗi chúng ta nó hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp. – Không có ước mơ bạn sẽ không xác định được mục tiêu sống của mình là gì. Chính vì không xác định được phương hướng sẽ dẫn tới bạn sẽ sống hoài sống phí, và trở thành người tụt hậu bị bạn bè, xã hội bỏ lại phía sau. – Dẫn chứng: Nếu không phải là mong muốn, ước vọng về một nền hòa bình độc lập cho dân tộc, thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong một ngày tháng 6 năm ấy làm sao có thể can đảm, dũng cảm rời bến cảng Nhà Rồng để chính thức bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước để rồi cuối cùng sau bao khó khăn vất vả, Bác đã tìm ra con đường đi cho dân tộc VN *Kết đoạn: – Khẳng định lại về vai trò của ước mơ – Rút ra bài học và liên hệ bản thân: – Mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ, hi vọng. –  Phải không ngừng học tập, rèn ý chí, trau dồi kĩ năng sống để biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực

Tải 120 đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9

Mời thầy cô tải bản đầy đủ 120 đề đọc hiểu ngoài SGK Ngữ Văn 9 tại đây

Các bài viết, tài liệu được chúng tôi sưu tầm và chia sẻ thường không rõ tác giả. Nếu bạn thấy ảnh hưởng quyền lợi, vi phạm bản quyền xin gửi mail tới phuong@dayhoc.page. Xin cám ơn!
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous Article
Tư duy về chẵn và lẻ!

Tư duy về chẵn và lẻ!

Next Article
Tự học LATEX trong 60 phút!

Tự học LATEX trong 60 phút!

Related Posts